Một nhóm các nhà khoa học địa chất Mỹ và Đức đã tìm thấy hàng loạt miệng hố va chạm thứ cấp trong các lớp trầm tích 280 triệu năm trước, loại cấu trúc trước đây chỉ tìm thấy ở các hành tinh khác.
Theo SciTech Daily, có tới vài chục hố va chạm nhỏ, kích thước 10-70 m lần lượt được phát hiện ở khu vực Đông Nam Wyoming.
Sau khi phát hiện ra những miệng hố đầu tiên, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng đó phải là một cánh đồng đầy miệng hố, được hình thành do sự vỡ vụn của một tiểu hành tinh đi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên sau khi hàng loạt miệng hố va chạm khác được phát hiện, giả thuyết nói trên đã bị loại trừ.
Cánh động miệng hố va chạm ở khu vực Núi Cừu, Đông Nam Wyoming - (Ảnh: Kent Sundell, Casper College)
Hàng loạt miệng hố va chạm, trải rộng trên lớp trầm tích kỷ Permi (280 triệu năm trước) không phải như những dấu tích va chạm đơn lẻ mà tập trung thành từng nhóm và thẳng hàng như nằm dọc theo các tia phun ra từ một thứ gì đó. Một số miệng hố lại có hình elip, cho phép tái tạo lại đường đi đến tác nhân va chạm chính.
Giáo sư địa chất Thomas Kenkmann từ Đại học Freiburg (Đức), tác giả chính của nghiên cứu, phân tích: "Quỹ đạo của các miệng hố chỉ ra một nguồn duy nhất và cho thấy chúng được hình thành từ một khối vật thể bị đẩy ra từ một miệng hố va chạm sơ cấp lớp hơn".
Dạng miệng hố va chạm thứ cấp như chùm vài chục miệng hố nói trên đã từng được tìm thấy trên Mặt Trăng và vài hành tinh khác, nhưng chưa từng được ghi nhận trên Trái đất.
Các tác giả đã tính toán và mô tả lại thảm họa ban đầu: Một số vật thể có đường kính 4-8 m đã lao thẳng xuống Trái đất với tốc độ 700-1000 m/giây, gây ra loạt hố sơ cấp đường kính 50-60 km có thể đang được chôn sâu dưới lớp trầm tích ở lưu vực phía Bắc Denver, gần biên giới Wyoming - Nebraska. Tác động này bắn các mảnh thiên thạch ra xa 150-200 km và hình thành cánh đồng hố va chạm ở Đông Nam Wyoming nói trên.
Nghiên cứu công bố trên Geologyical Society of America Bulletin.