Năm 2020: Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên

Tiến sĩ Phạm Khánh Toàn - Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công nghiệp - đã khẳng định như vậy, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Lao Động bên lề "Diễn đàn năng lượng Việt - Nhật" mới được tổ chức tại HN.

Thưa ông, Bộ Công nghiệp (BCN) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCTKT) dự án nhà máy điện hạt nhân (NM ĐHN) đầu tiên của VN, xin ông cho biết những thông số chủ yếu?

- BCTKT NM ĐHN đã được hoàn thành cách đây 1 năm, đã lấy xong ý kiến bộ, ngành, hiện đang chờ BCN hoàn chỉnh một số thông tin báo cáo Chính phủ trong thời gian tới. Viện Năng lượng (NL) đang phải cập nhật lại các thông tin cho phù hợp với tổng sơ đồ điện VN giai đoạn 2006-2010, đồng thời Thủ tướng vừa có quyết định yêu cầu chúng tôi tính toán trên cơ sở tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện lên tới 17% trong giai đoạn này.

Theo BCTKT, quy mô của NM ĐHN dự kiến giai đoạn đầu vận hành thương mại (năm 2020) sẽ có 2 tổ máy, mỗi tổ 1.000MW. Giai đoạn 2 sẽ mở rộng thêm 4 tổ máy nữa (4 x 1.000MW) và chúng tôi đã có những nghiên cứu đến năm 2040-2050 và đề xuất sơ bộ về tỉ trọng điện hạt nhân sẽ gia tăng trong cơ cấu nguồn điện của VN.

Theo tính toán, chỉ trong vòng từ 6-8 năm tới, VN sẽ chuyển từ nước XK NL sang nước NK NL, nhiều khả năng phải tính đến những dạng NL khác thay thế NL truyền thống, NM ĐHN có là sự lựa chọn tối ưu?

- Theo chúng tôi tính toán, đến sau năm 2015, các nguồn NL thứ cấp sẽ cạn kiệt do thiếu các nguồn cung cấp NL. Vì vậy, phải nghĩ đến phương án NK NL, trong đó có NK điện và các nguồn năng lượng khác. ĐHN chính là "cứu tinh" cho phát triển nguồn điện trong điều kiện chúng ta không tìm kiếm được nguồn cung cấp nào thay thế NL sơ cấp.

Bên cạnh các dạng NL mới chiếm tỉ trọng không lớn (do chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu và triển khai chủ yếu như thuỷ điện nhỏ, những dạng NL như địa nhiệt hay phong điện hiện còn đang nghiên cứu), ĐHN sẽ góp phần tham gia đáng kể vào việc cung cấp NL cho VN đảm bảo an ninh năng lượng, giảm hiệu ứng nhà kính.

Đầu tư NM ĐHN thì vấn đề an toàn là số 1, trên thế giới đã từng xảy ra sự cố lò phản ứng hạt nhân ở Chernobyl?

- Đây cũng là vấn đề được cộng đồng rất quan tâm, kể cả trong các nhà lãnh đạo về tính an toàn của NM ĐHN. Tuy nhiên, những sự cố xảy ra đều là do con người, còn hệ thống thiết bị nếu tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ không có những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Trong quá trình làm nghiên cứu tiền khả thi, chúng tôi cũng đặt ra vấn đề an toàn hạt nhân phải là hàng đầu, trong đó lựa chọn 3 loại công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới với độ an toàn cao. Hy vọng với công nghệ tiên tiến thì việc mất an toàn hạt nhân sẽ được khắc phục, vì bản chất của những sự cố điện hạt nhân không phải do công nghệ, mà thường phát sinh trong quá trình sử dụng...

Nguồn vốn đầu tư cho NM ĐHN đầu tiên là vấn đề lớn. Hiện đã có chủ trương liên doanh hay 100% vốn nước ngoài đầu tư NM ĐHN đầu tiên chưa, thưa ông?

- Với suất đầu tư theo như chúng tôi khoảng từ 1.700-2.000USD/1kWh thì vốn đầu tư cho NM ĐHN cũng lên tới hàng tỉ USD. Việc lựa chọn hình thức liên doanh hay vay vốn đầu tư, đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể và sẽ phải tiếp tục hoàn thiện trong BCNCKT. Tuy nhiên, phương án khả thi là chúng ta có thể vay vốn nước ngoài với lãi suất vay ưu đãi hoặc huy động từ các nguồn trong nước. Trong trường hợp phải huy động nguồn vốn nước ngoài thì cũng phải tính toán xem tỉ lệ góp vốn của ta là bao nhiêu.

Viện Năng lượng cũng đã trình BCN đề án đào tạo nguồn nhân lực cho NM ĐHN?

- Vấn đề nguồn nhân lực đang đặt ra rất cấp bách, bởi một thời gian dài chúng ta đã không có sinh viên theo học ngành này. Chúng tôi kiến nghị phải đưa chương trình đào tạo nhân lực ĐHN lên tầm quốc gia, chứ không chỉ ở cấp bộ và tranh thủ sự hợp tác với nước ngoài để tận dụng khả năng của họ trong việc đào tạo.

Tổng cộng, hiện có khoảng hơn 800 cán bộ và công nhân kỹ thuật thuộc các chuyên ngành điện hạt nhân được đào tạo tại các trường ĐH trong nước và gửi ra đào tạo tại nước ngoài. Ngoài ra, trong khuôn khổ các chương trình đào tạo hợp tác với các nước như Nhật Bản, Pháp... chúng ta cũng đang cử cán bộ sang đào tạo.

- Xin cảm ơn ông.

Quỳnh Trang

Theo Lao động
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video