Một phát hiện quan trọng tại miệng hố va chạm khổng lồ Gale trên sao Hỏa chứng minh nơi đây từng là một hồ nước đủ ấm để các dạng sống ngoài hành tinh tồn tại.
Theo tiến sĩ Elisabeth Losa-Adams từ Đại học Virgo (Tây Ban Nha), tác giả chính của nghiên cứu, thứ được phát hiện là một khoáng chất đặc biệt liên quan đến đất sét glauconitic, thứ chứng minh miệng hố va chạm Gale từng là một hồ cổ phù hợp với sự sống.
Bên trong miệng hố va chạm Gale chứa dấu vết của một loại đất sét khoáng đặc biệt, tiết lộ về thời kỳ hành tinh đỏ thân thiện với sự sống - (Ảnh: NASA)
New Scientist cho biết hồ nước này đã xuất hiện khoảng 3,5 tỉ năm trước và tồn tại suốt 10 triệu năm. Trong khoảng thời gian đó, có ít nhất 1 triệu năm nước ở đây tồn tại dưới trạng thái lỏng, với nhiệt độ từ -3 độ C đến 15 độ C, pH trung tính. Ở Trái đất, những hồ nước chỉ hơi mát lạnh như thế là môi trường tuyệt vời cho hàng loạt dạng sống khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp.
"Đất sét glauconitic là vật đại diện cho các điều kiện ổn định. Các điều kiện cho phép loại đất sét này hình thành cũng rất thân thiện với sự sống" – tiến sĩ Losa-Adams giải thích.
Theo Daily Mail, "nhà thám hiểm Sao Hỏa" Curiosity của NASA, một chiếc xe tự hành đã hoạt động nhiều năm trên hành tinh này, là tác giả của phát hiện đặc biệt. Tuy nhiên các thiết bị cũ kỹ trên cỗ máy đã hoạt động quá hạn từ lâu này không cho phép tìm thêm nhiều thông tin về những "vật liệu sự sống" đặc biệt này và bản thân vật liệu này cũng chưa phải bằng chứng trực tiếp cho sự sống.
Các nhà khoa học đang kỳ vọng vào Perseverance, một nhà thám hiểm khác của NASA đang hoạt động tại miệng hố va chạm Jezero, được trang bị đầy đủ để có thể tìm thấy bằng chứng trực tiếp về sự sống ngoài hành tinh. Những phát hiện tại Gale là tín hiệu đầy hứa hẹn cho thấy Perseverance cũng có thể gặp may mắn tương tự.