NASA để mắt đến hành tinh trị giá gấp 75.000 lần kinh tế thế giới

Nếu có thể khai thác, giá trị kinh tế mà tiểu hành tinh này mang đến có thể gấp 75.000 lần quy mô kinh tế toàn cầu.

Theo Forbes, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang trong giai đoạn phát triển cuối cùng cho sứ mệnh khám phá tiểu hành tinh có tên 16 Psyche.

Dự kiến rời Trái đất vào tháng 8/2022, hệ thống kỹ thuật và thiết bị dành cho tàu vũ trụ cùng tên (Psyche) đang được kiểm tra, lắp ráp và hoàn thiện. NASA cho biết đây là thành quả "kỳ diệu" trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.


Bản vẽ của tiểu hành tinh 16 Psyche. (Ảnh: NASA).

Nghiên cứu 16 Psyche sẽ giúp các nhà khoa học biết thêm về sự hình thành của Trái đất và những hành tinh khác. Về mặt kinh tế, giá trị của 16 Psyche có thể lên đến 10.000 triệu tỷ USD nếu có khả năng khai thác, gấp 75.188 lần nền kinh tế thế giới năm 2019 theo World Bank (133 nghìn tỷ USD).

16 Psyche là tiểu hành tinh chủ yếu chứa sắt và niken, đường kính khoảng 226 km, nằm trong vành đai tiểu hành tinh của Hệ Mặt Trời giữa quỹ đạo Hoả tinh và Mộc tinh. Người ta cho rằng 16 Psyche là lõi của hành tinh chết bị mất vỏ.

NASA sẽ nghiên cứu độ tuổi và tính chất bề mặt của 16 Psyche. Ngoài ra, cơ quan này còn muốn biết liệu 16 Psyche có phải lõi của một hành tinh sơ khai, hình thành theo cách tương tự lõi của Trái đất không.

Lõi niken-sắt lộ ra của 16 Psyche là một trong những nguyên tố cơ bản tạo nên Hệ Mặt trời. Mỗi hành tinh đá đều có lõi sắt-niken, tuy nhiên chúng được bao bọc trong lớp vỏ nên không thể nghiên cứu được.


Tàu vũ trụ Psyche sẽ thăm dò, nghiên cứu hành tinh 16 Psyche trong 21 tháng. (Ảnh: NASA).

NASA được cho đã đầu tư 967 triệu USD cho sứ mệnh khám phá 16 Psyche, gồm 850 triệu USD cho việc phát triển và 117 triệu USD cho chi phí phóng tên lửa. Đây là một phần thuộc chương trình khám phá các sứ mệnh không gian của NASA bằng robot chi phí thấp.

Dù đặt ra nhiều hứa hẹn, giá trị kinh tế thực sự mà 16 Psyche có thể mang lại vẫn là dấu chấm hỏi. Trên thực tế, việc khai thác sắt và niken trên hành tinh có thể làm sụp đổ thị trường khai thác những nguyên liệu này của Trái đất.

Tên lửa Psyche sẽ được phóng vào tháng 8/2022 trên tên lửa SpaceX Falcon Heavy, cùng với 2 vệ tinh thăm dò khác thuộc sứ mệnh Janus của NASA. Khi đến Psyche, tàu vũ trụ sẽ sử dụng từ kế để tìm kiếm từ trường của sắt-niken, chụp ảnh và phân tích thành phần bề mặt hành tinh. Chỉ khi đó, chúng ta mới biết giá trị thực sự của hành tinh về mặt khoa học lẫn kinh tế.

Một sứ mệnh không gian thường có 6 giai đoạn A-F. Tàu vũ trụ Psyche chạy năng lượng Mặt Trời đang trong giai đoạn D - lắp ráp, thử nghiệm và phóng. Ở giai đoạn tiếp theo, tàu vũ trụ sẽ được đưa vào không gian để vận hành.


Phần thân của tàu vũ trụ Psyche được thử nghiệm vào tháng 11/2020. (Ảnh: Maxar Technologies).

Bộ khung của tàu Psyche được sản xuất bởi hãng Maxar Technologies ở Palo Alto, California. Giờ đây, tàu vũ trụ sẽ được chuyển đến Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) để lắp ráp, thử nghiệm và phóng.

“Đây thực sự là giai đoạn cuối cùng, khi tất cả bộ phận được ghép lại với nhau và chúng tôi bước lên tên lửa... Đây là cột mốc đặc biệt - không chỉ với dự án kéo dài một thập kỷ, mà còn với những biến động gần đây trong cuộc sống của chúng ta”, Lindy Elkins-Tanton, nghiên cứu viên chính của dự án từ Đại học Arizona, cho biết.

Khoảng cách từ Trái đất đến 16 Psyche là khoảng 370 triệu km. Sau khi được phóng vào tháng 8/2022, Psyche sẽ nhận tác động từ lực hấp dẫn hỗ trợ của Hỏa tinh vào tháng 5/2023 trước khi tiếp cận mục tiêu vào năm 2026. Việc thu thập và nghiên cứu hành tinh sẽ kéo dài trong 21 tháng.

Cập nhật: 15/02/2021 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video