Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) quyết định lùi chuyến bay đầu tiên chở người lên vũ trụ của tàu con thoi Orion sang năm 2023 do những khó khăn nảy sinh trong quá trình phát triển.
NASA rời lịch phóng tàu Orion
Trước đó, lịch bay của tàu Orion được NASA ấn định vào năm 2021. Tuy nhiên, những khó khăn bất ngờ phát sinh có thể dẫn tới nhiều sự trì hoãn nữa trong tương lai, BBC hôm 17/9 đưa tin.
NASA chi hàng tỷ USD cho dự án tàu vũ trụ Orion. (Ảnh: NASA).
Tàu Orion đã trải qua một chuyến bay thử nghiệm không người lái vào tháng 12 năm ngoái. Chuyến bay diễn ra gần như hoàn hảo. Tàu Orion quay quanh Trái Đất ở độ cao vài nghìn km, nhưng không sử dụng tên lửa đẩy thiết kế riêng cho nó. Tên lửa cực lớn mang tên Space Launch System (SLS) này vẫn đang trong quá trình phát triển.
- Video: Phi hành gia thấy gì khi bay về Trái Đất?
- NASA thử nghiệm tàu vũ trụ đưa người lên sao Hỏa
- Quá trình vớt phi thuyền Orion bằng tàu đổ bộ khổng lồ
Mạnh hơn nhiều tên lửa Saturn V trên tàu vũ trụ Apollo, SLS sẽ chính thức đi vào hoạt động trong chuyến bay không người lái của tàu Orion vào cuối năm 2018. Sau đó, bộ đôi sẽ được sử dụng để đưa các nhà du hành bay quanh Mặt Trăng và trở về Trái Đất trong chương trình thử nghiệm mang tên EM-2.
Các kỹ sư bắt tay vào chế tạo tàu Orion cho chuyến bay thử nghiệm không người lái vào năm 2018. (Ảnh: NASA).
Sau khi xem xét tiến độ trong quá khứ và đánh giá những thách thức tương lai, các quan chức NASA nhận định một số vấn đề phần cứng và phần mềm có thể ảnh hưởng tới lịch trình đã định. Một vấn đề trong số đó là sự phụ thuộc vào việc tái sử dụng các linh kiện trong quá trình thử nghiệm. Nếu một linh kiện bị hỏng và cần thay mới, nhiều khả năng kinh phí sẽ tăng lên.
Một yếu tố không chắc chắn khác là khoang dịch vụ của tàu Orion do Cơ quan Vũ trụ châu Âu phụ trách chế tạo. Đây là bộ phận ở đuôi giúp đẩy tàu trong vũ trụ, dự kiến đi vào sử dụng lần đầu tiên trong chuyến bay thử nghiệm không người lái vào năm 2018 cùng với hệ thống SLS. Nếu xảy ra vấn đề về vận hành, việc chế tạo lại khoang dịch vụ có thể ảnh hưởng đến tiến độ của chương trình EM-2.
Bản vẽ tàu vũ trụ Orion. (Ảnh: NASA).
Kinh phí tối thiểu mà NASA đề ra cho tàu vũ trụ Orion là 6,77 tỷ USD, tính từ tháng 10/2015 đến chuyến bay chở người đầu tiên năm 2023. Theo Robert Lightfood, quản trị viên của NASA, kinh phí phát triển tàu tính đến nay là 4,7 tỷ USD, chưa kể vài tỷ USD tiêu tốn trong quá trình lên ý tưởng thiết kế Orion và nguồn quỹ chế tạo SLS.
Tàu Orion sẽ bay trên quỹ đạo Trái Đất. Theo dự kiến, con tàu sẽ chở đoàn phi hành gia đi qua Trạm Vũ trụ Quốc tế, tới Mặt Trăng, các thiên thạch và có thể là sao Hỏa. Nhiệm vụ này sẽ đòi hỏi những công nghệ đặc biệt để hỗ trợ sinh sống trong vũ trụ và các thiết bị điện tử có thể hoạt động trong môi trường bức xạ mạnh.