NASA ghi hình nhật thực trên sao Hỏa

Robot Perseverance quan sát và ghi lại khoảnh khắc mặt trăng Phobos tạo ra chiếc bóng lớn trên bề mặt Mặt trời.

Robot tìm kiếm sự sống Perseverance hôm 2/4 tạm ngừng di chuyển tới vùng châu thổ sông cổ đại trên sao Hỏa để quan sát một mặt trăng nhỏ di chuyển ngang qua Mặt trời. Theo nhà chức trách ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA ở Nam California, đơn vị quản lý nhiệm vụ Perseverance, quan sát có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn quỹ đạo của mặt trăng này và tác động từ lực hấp dẫn của nó tới quá trình hình thành lớp vỏ và lớp phủ của sao Hỏa.


Nhật thực tạo bởi mặt trăng Phobos chụp từ camera của Perseverance. (Ảnh: NASA)

Các robot tự hành khác như Curiosity của NASA từng quan sát nhật thực. Nhưng hình ảnh mới quay bằng camera Mastcam-Z của Perseverance cung cấp tầm nhìn rõ nét nhất về hiện tượng nhờ tốc độ khung hình cao không có ở những phương tiện khám phá bề mặt sao Hỏa khác. Rachel Howson ở công ty Malin Space Science Systems tại San Diego, thành viên đội Mastcam-Z, chia sẻ ông không nghĩ chất lượng hình ảnh có thể tốt đến vậy.

Phobos nhỏ hơn 157 lần so với Mặt Trăng của Trái Đất, là một trong hai vệ tinh tự nhiên của sao Hỏa. Vệ tinh còn lại là Deimos thậm chí còn nhỏ hơn Phobos. Các nhà khoa học cho rằng hai thiên thể này có thể từng là tiểu hành tinh bị hút bởi trọng lực sao Hỏa. Phobos nhiều khả năng sẽ đâm vào bề mặt hành tinh trong vài chục triệu năm nữa.

"Do Phobos quay xung quanh sao Hỏa, lực hấp dẫn của nó tạo ra lực thủy triều nhỏ đối với cấu tạo bên trong của hành tinh, làm biến dạng nhẹ đá ở lớp vỏ và lớp phủ. Những lực này cũng chậm rãi thay đổi quỹ đạo của Phobos. Kết quả là những nhà địa vật lý có thể thông qua thay đổi đó để hiểu rõ hơn cấu tạo sao Hỏa, khám phá nhiều hơn về vật chất bên trong lớp vỏ và lớp phủ", JPL cho biết.

Các nhiệm vụ robot tự hành trong quá khứ từng ghi hình Phobos và/hoặc Deimos bay qua Mặt trời như robot Spirit và Opportunity vào năm 2004. Tính đến năm 2019, Curiosity, Opportunity và Spirit đã quan sát tổng cộng 40 lần nhật thực tạo bởi Phobos và 8 lần nhật thực tạo bởi Deimos. Mastcam-Z của Perseverance đã được nâng cấp so với các hệ thống camera trên những robot tiền nhiệm với bộ lọc giống kính râm để giảm cường độ ánh sáng Mặt trời, cho phép các nhà khoa học nhìn thấy những chỗ lồi lõm trên Phobos.

Perseverance đã hoạt động suốt một năm để tìm dấu hiệu của sự sống cổ đại trên sao Hỏa, thu thập và lưu trữ hàng chục mẫu vật có thể chứa bằng chứng về tổ chức vi sinh vật. NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) lên kế hoạch đưa mẫu vật về Trái Đất trong thập kỷ tới.

Cập nhật: 22/04/2022 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video