Thiết bị thăm dò tự hành trên sao Hỏa của Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA) Curiosity đã phát hiện dấu vết của methane - dạng khí hữu cơ thường do sinh vật sản sinh - nêu khả năng về bằng chứng đầu tiên của cơ thể sống bên ngoài trái đất.
Phát hiện mới được công bố trên tạp chí Science, theo đó, quang phổ kế laser chuyển hướng (TAS) của Curiosity phân tích hóa học các mẫu khí và phát hiện mức độ methane hiện diện và cao bất thường ở một số nơi trên sao Hỏa.
Tàu thăm dò tự hành trên sao Hỏa Curiosity. (Ảnh: NASA)
Mức độ methane thấp được lý giải theo cách là các tia nắng mặt trời làm thoái hóa các chất hữu cơ có khả năng được lắng đọng do sao băng. Tuy nhiên, những bản ghi nhận khác tại một khu vực 300m2 cho thấy lượng methane tăng gấp 10 lần trong vòng 60 ngày trên sao Hỏa. Khi Curiosity đi xa hơn vài km, mức độ methane cao như vậy không còn xuất hiện nữa.
TS Paul Mahaffy thuộc NASA nhận định: “Điều thú vị nhất là một lúc nào đó, methane đã đến và đi. Vào lúc này chúng tôi thực sự khó có thể xác nhận điều gì nhưng có khí thải được phát hiện là điều rất đáng quan tâm. Chúng ta nên giữ tâm thái mở”.
Bằng chứng đầu tiên của cơ thể sống bên ngoài trái đất được phát hiện ở sao Hỏa
TS Mahaffy nói rằng các nhà khoa học không loại trừ bất cứ điều gì kể cả dấu chỉ hoặc bằng chứng về khí methane được lưu giữ, gợi khả năng từng có sự sống cổ ở nơi này. NASA thông báo rằng với những ghi nhận thêm từ Curiosity và có khả năng những xét nghiệm đồng vị sẽ cho ra bằng chứng xác nhận methane ở đó có phải xuất phát từ nguồn gốc sinh học hay không.
Sự sống là nguồn sản sinh methane chính ở trái đất nhưng cũng có nguồn methane không sinh học khác, trong đó có từ hiện tượng thiên thể va chạm. Tuy nhiên, không có sự va chạm thêm gần đây được ghi nhận gần Gale Crate - một hố lớn được tạo thành do sự va chạm cách nay khoảng từ 3,5 đến 3,8 tỉ năm trên hành tinh đỏ. Curiosity bắt đầu thăm dò khu vực này từ năm 2012.