NASA vừa công bố bức ảnh chụp cận cảnh cụm sao cầu NGC 2005 mà cơ quan này gọi là "hóa thạch của vũ trụ".
Hình ảnh được ghi lại bởi Kính viễn vọng Không gian Hubble, chiến binh khai phá vũ trụ có nhiều chiến công nhất của NASA và đối tác ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu).
"Hóa thạch của vũ trụ" NGC 2005 - (Ảnh: NASA).
Bản thân NGC 2005 không phải là một cụm sao cầu bất thường nhưng nó trở nên đặc biệt khi so sánh với môi trường xung quanh.
NGC 2005 trong thiên hà mang tên Đám mây Magellan Lớn (LMC), cách vùng trung tâm khoảng 750 năm ánh sáng.
LMC là thiên hà vệ tinh lớn nhất của Ngân Hà, tức thiên hà chứa Trái đất của chúng ta.
Các cụm sao cầu là những nhóm sao dày đặc có thể chứa hàng chục nghìn hoặc hàng triệu ngôi sao, bị ràng buộc chặt chẽ bởi trọng lực và do đó rất ổn định.
Sự ổn định này góp phần kéo dài tuổi thọ của chúng: Các cụm sao cầu có thể hàng tỷ năm tuổi và thường bao gồm các ngôi sao rất già. Vì vậy, nghiên cứu các cụm sao cầu trong không gian có thể giống như nghiên cứu các hóa thạch trên Trái đất.
Hóa thạch của Trái đất cung cấp cái nhìn sâu sắc về đặc điểm của thực vật và động vật cổ đại, các cụm sao cầu làm sáng tỏ các đặc điểm của các ngôi sao cổ đại.
Các lý thuyết hiện nay về sự tiến hóa của thiên hà dự đoán rằng các thiên hà sẽ hợp nhất với nhau trong quá trình phát triển.
Trong đó, Ngân Hà - một con quái vật khổng lồ trong thế giới thiên hà - đã từng nuốt chửng khoảng hơn 20 thiên hà khác để đạt được kích thước khổng lồ như ngày nay.
Vệ tinh LMC nhỏ hơn Ngân Hà rất nhiều nhưng cụm sao cầu mà Hubble vừa chụp được là bằng chứng cho thấy nó cũng từng là một con quái vật.
NGC 2005 trở nên đặc biệt so với môi trường xung quanh là vì các ngôi sao của nó có thành phần hóa học khác biệt với các ngôi sao xung quanh. Điều này cho thấy NGC 2005 ban đầu không thuộc về LMC, mà là của một thiên hà cổ đại đã bị LMC nuốt chửng.
"Thiên hà kia đã hợp nhất từ lâu và đã phân tán nhưng NGC 2005 vẫn ở lại như một nhân chứng cổ xưa cho sự hợp nhất" - NASA viết.