Аndrei Geim - Từ graphen, tạm thời chưa làm ra tiền (P2)

Tiếp tục cuộc trò chuyện còn dang dở với Andrei Geim về những câu chuyện bên lề giải Nobel và “siêu vật liệu” graphen.

>>> Аndrei Geim - Từ graphen, tạm thời chưa làm ra tiền (P1)

Izvestia: Chúng ta hãy trở lại với graphen đi. Ông đã tạo ra nó, đã đánh giá được những ưu điểm của nó. Nhưng bao lâu nữa nhân loại mới có thể hưởng lợi được những kết quả này? Có thực sự chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một nền sản xuất những vật liệu mới, lật lại ngành điện tử học và các công nghệ khác nữa không? Hay chuyện còn rất xa vời?

Andrei Geim: Nói thật nhé, câu trả lời của tôi là có và không. Hiện đã có những công ty nhỏ, nhiều nữa là khác bán các vật liệu từ graphen cho các cơ sở nghiên cứu khoa học. Ví dụ làm mực dẫn điện chẳng hạn. Doanh số của ngành này trên thế giới đã lên tới vài triệu đôla một năm. Bản thân điều đó đã đủ gây chấn động rồi vì trong lịch sử chưa bao giờ một loại vật liệu mà chỉ trong 5 năm từ phòng thí nghiệm hàn lâm lại “nhảy” ngay vào sản xuất công nghiệp.

Thông thường phải mất 10 năm, như Teflon chẳng hạn. Còn silic thì cần đến 100 năm. Mặc dù người ta nói nhiều rằng nó sẽ lật đổ ngành điện tử học – graphen sẽ thay thế vai trò của silic – nhưng hiện nay, điều đó mới chỉ là một giấc mơ. Loài người còn cần phải mất nhiều công sức nhưng sự xuất hiện ào ạt của nó còn rất xa ở những giới hạn của đường chân trời. Mọi lời hứa hẹn hôm nay vẫn chỉ là những lời trống rỗng. Thế nhưng quãng thời gian từ điểm ban đầu đến điểm kết thúc sẽ có vô vàn những ứng dụng quan trọng.

Ông thử kể ra vài điều xem…

Tôi vừa đến hãng Samsung. Người ta đưa tôi xem “chương trình graphen” của họ, tức là lộ trình tạo ra những thiết bị trên cơ sở của graphen. Từ nay đến năm 2025, họ sẽ thực hiện từ 50 đến 100 ứng dụng có triển vọng của graphen. Ứng dụng đầu tiên, theo họ nói, chỉ một-hai năm nữa thôi graphen sẽ được dùng dể phủ lên màn hình sờ (touchscreen) của điện thoại di động. Vật liệu này sẽ có ứng dụng rất rộng rãi là điều mà chẳng còn ai nghi ngờ, chỉ còn lại câu hỏi: phải chi ra bao nhiêu để thực hiện được điều đó. 10 tỷ đôla hay 100 nghìn tỷ đôla ? Chỉ đưa vào ứng dụng hẹp hay bát cứ đồ dùng gia đình nào cũng thừa hưởng phát minh của chúng tôi?

Các nhà khoa học rời bỏ nước Nga, chủ yếu là họ tìm kiếm những điều kiện làm việc song kèm theo đó có cả lý do về sự đãi ngộ vật chất nữa. Theo ý ông có phải đó là lý do chính, cộng với những ưu thế về tổ chức hoạt động khoa học ở châu Âu?

Điều đó phụ thuộc vào việc bạn ở đẳng cấp nào.Tôi ngờ rằng một người được giải Nobel ở Nga còn sống tốt hơn nhiều so với chính người ở đẳng cấp đó sống ở Anh và các nước khác. Còn bạn dù là một người giỏi thực sự đấy mà cứ đam mê, trăn trở làm những cái mới (mà chưa có kết quả) thì sự khác biệt với ông ta là một trời một vực. Quỹ tài trợ nghiên cứu cơ bản ở Nga RFFI về nguyên tắc là tổ chức duy nhất phân chia kinh phí theo các sự bình chọn, dựa trên sự đóng góp vào khoa học.

Thế nhưng thực tế nó lại không được chi cho các cuộc bình chọn các công trình, mà được chia theo mối quan hệ, cho các chức vụ v…v… Hệ thống ấy ở Anh lại khác: Nếu tôi không có sự bảo đảm nào, đạt được từ những cuộc thi thì tôi không thể làm được cái gì bằng ngân sách của trường đại học. Nói như trong cuốn truyện trẻ con “Alice trong thế giới phi thường”, để có thể đứng yên tại một chỗ thì phải chạy, chạy, chạy không ngơi nghỉ. Ở Nga không thế, người ta không muốn chạy mà muốn phấn đầu để làm lãnh đạo. Người ta tìm mọi cách để bơi trong một môi trường đặc quánh. Gần đây, có người đề nghị tôi nhận xét thật ngắn gọn về tình trạng của nền khoa học Nga, tôi đã nói một câu “người ta đang lăn”.

Các bạn ông ở Nga kể lại rằng ông là một nhà du lịch và một nhà leo núi đam mê như một con nghiện. Khi sống ở Anh, ông còn niềm say mê đó không?

Tôi vẫn yêu những ngọn núi cao như thế. Chỉ tiếc năm 2010, tôi chẳng đi đâu cả. Hai năm trước, tôi đến Equador, đã leo lên tận đỉnh núi Kotopachi. Hy vọng năm tới tôi sẽ chinh phục đỉnh núi cao nhất ở Borneo.


Nếu vậy sức khoẻ của ông phải tốt lắm. Ông giữ gìn sức khoẻ thế nào?

Mười năm trước khi sinh cháu gái, tôi bị stress dữ lắm, đến nỗi tăng lên 10kg nhưng nay vẫn chưa giảm xuống được. Mặc dù cũng khá nặng – 100 kg cơ đấy – tôi vẫn leo núi dược. Bằng cách ấy, tôi giữ được “phom” của mình. Mỗi tuần hai lần tôi đến phòng tập thể thao. Tôi chạy, chơi thể dục dụng cụ. Nếu không tập tành như vậy, khả năng làm việc của tôi giảm ngay lập tức.

Mỗi buổi tập ông chạy bao nhiêu?

Năm kilomet. Mất nửa giờ, nửa giờ còn lại tôi tập trên dụng cụ thể thao.

Ông thật là một tấm gương đối với đa số các nhà khoa học. Hầu như trong giới khoa học không nhiều người làm được điều này.

Không đâu. Hồi tôi ở Tchernogolovka, mọi người đều tập thể thao hết .

Cô tiểu thư Alexandra của ông học hành ra sao?

Rất giỏi. Cả Toán, cả Lý, cả các môn khác.

Cô ấy nói được tiếng Nga chứ?

Nó chẳng nói được cả tiếng Nga lẫn tiếng Hà Lan. Hiện nay nó tự coi mình là một cô con gái Hà Lan, nhưng điều đó thì quá dở (Andrei Geim và gia đình đều vào quốc tịch Hà Lan)

Và ở trong gia đình ông cũng nói tiếng Anh?

Tôi nói với vợ bằng tiếng Nga, nhưng chuyện trò với con gái lại chuyển sang tiếng Anh. Cháu nó cũng hiểu tiếng Nga nhưng không nói được. Chúng tôi định gửi nó về sống với ông anh tôi hoặc một gia đình họ hàng nào khác. Họ sống ở Đức, nhưng về nhà nói toàn tiếng Nga. Nói tiếng Anh chẳng ai hiểu thì sẽ buộc nó phải dùng tiếng Nga. Tôi vẫn còn nhiều bạn bè ở Nga nhưng khó trở về Nga quá.

Sao vậy?

Tôi đã một lần được Lãnh sự quán Nga ở London người ta gọi đến nhưng không đến được. Để xin visa đến bất kỳ nước nào như Ấn Độ, Trung Quốc… tôi chỉ việc gửi hộ chiếu qua bưu điện, điền vào đơn in sẵn rồi nộp tiền là xong. Nhưng với Nga thì, giấy trắng mực đen rõ ràng, những ai vốn trước đây là công dân Nga, thì không thể nhận visa qua bưu điện, mà phải tự mình đến lãnh sự quán để họ kiểm tra. Lãnh sự quán thì ở tận London, tự mình đi tàu hoả đến đó rồi trở về, tôi không có thời giờ.

Ông vẫn còn muốn sang Nga chứ?

Điều đó đâu có phụ thuộc vào tôi. Nếu họ không gây phiền phức thì tôi đi chứ !

Trong tương lai ông sẽ làm về vấn đề gì?

Graphen – đó là một lĩnh vực lớn đến nỗi nếu đứng tại đấy lấy đà có thể nhảy rất xa. Tôi là một nhà vật lý và chưa khi nào tôi nghĩ đến một lúc nào đó sẽ chuyển sang hóa học. Nhưng gần đây, tôi đã nhảy sang Fluorographen và cũng vừa công bố về chất này, một đề tài thuần túyhoá học.

Trong năm-mười năm tới tôi không có ý định bỏ graphen. Điều này làm tôi nhớ tới một tác phẩm của Jack London kể về sự phát hiện ra Alaska. Câu chuyện là như thế này. Một đoàn người đi đào vàng, hàng trăm người leo lên một quả đồi. Trong balô của mỗi người đều mang những cái cọc. Họ đóng cọc xuống đất để thăm dò. Graphen chính là vùng Alaska đầy những mạch vàng nằm rải rác. Nhiều người có thể tìm ra các mạch vàng ấy . Tôi có rất nhiều cọc và hy vọng cũng tự minh đóng cọc xuống đất. Vậy thôi.

Theo Vietnamnet, Izvestia
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video