Linh Huy
Trong một phát biểu gần đây, viện sỹ Viện hàn lâm Nga Boris Chertok cho biết, chương trình Mặt Trăng mới của Nga sẽ không chỉ có các chuyến bay tới hành tinh này, mà có thể sẽ gồm cả việc xây dựng một căn cứ vĩnh viễn trên đó.
Viện sỹ Chertok nói: “Chúng tôi cần phải có một căn cứ trên Mặt Trăng. Nhiệm vụ lần này không đơn giản là lặp lại những việc mà nước Mỹ đã làm được hồi cuối những năm 60 của thế kỷ trước”.
Các nhà khoa học Nga cho biết căn cứ trên Mặt Trăng dự định sẽ được xây dựng trong tương lai có thể phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự. Người Nga có thể đặt trạm quan sát toàn bộ bề mặt Trái Đất tại đây.
Tàu vũ trụ Soyuz nổi tiếng của Nga trên đường tới trạm ISS. (Ảnh: Spacetoday) |
Ông nói: “Trên nguyên tắc, chúng tôi đã sẵn sàng đưa các nhà du hành vũ trụ Nga lên Mặt Trăng. Nếu kế hoạch được phê duyệt, chúng tôi sẽ hoàn thành chương trình trước năm 2015”.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết chương trình vũ trụ liên bang mới được phê chuẩn không bao gồm chương trình này. “Tôi nghĩ nước Nga có thể giải quyết mọi khó khăn liên quan đến việc đưa người lên Mặt Trăng. Chúng tôi có công nghệ, các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không vũ trụ”.
Ông Sevastyanov cho biết thêm, chương trình Mặt Trăng của Nga sẽ không tốn kém như các chương trình tương tự mà các nước khác đã và đang thực hiện.
Theo dự kiến, chương trình Mặt Trăng của Nga sẽ bao gồm năm bước: phóng tàu thám hiểm tự động lên Mặt Trăng; các chuyến bay có người lái trên quỹ đạo Mặt Trăng; con người đổ bộ lên hành tinh này; phát triển các phương tiện vận tải không gian và bước cuối cùng là xây dựng một căn cứ toàn diện trên chị Hằng.
Các nhà khoa học Nga dự kiến chuyến bay đầu tiên có người lái sẽ được thực hiện vào năm 2011 hoặc đầu năm 1012. Tàu vũ trụ Soyuz nổi tiếng của Nga sẽ lãnh trách nhiệm đưa đón các nhà du hành vũ trụ trong chuyến thám hiểm này.
Theo các nguồn tin chính thức, tàu vũ trụ Soyuz đang trong quá trình hiện đại hóa và sẽ hoàn thành vào năm 2010 để sẵn sàng tham gia chương trình Mặt Trăng vào năm 2011.
Viện sỹ Chertok cho rằng các chương trình thám hiểm Mặt Trăng và sao Hỏa mới được khởi động gần đây sẽ chứng minh cho thế giới thấy khả năng công nghệ và trí tuệ của người Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thế giới cho rằng kế hoạch Mặt Trăng của Nga là không thực tế và quá xa vời. Song với động thái lần này, Nga đã chính thức bước vào cuộc chạy đua thám hiểm không gian đã bị ngừng trệ bấy lâu.