Hàng triệu người trên hành tinh đổ xô đi tìm vị trí tốt nhất để xem nhật thực toàn phần vào ngày 22/7. Tuy nhiên, vị trí quan sát tốt nhất không nằm dưới mặt đất, mà ở trên không gian.
Một vệ tinh thời tiết và điều khiển hàng không của Nhật Bản đã chụp được những bức ảnh về trái đất trước và trong lúc nhật thực toàn phần xảy ra vào ngày 22/7. Đó là khi những người quan sát trên trái đất nhìn thấy mặt trăng che khuất hoàn toàn mặt trời.
Bóng của mặt trăng che phủ toàn bộ đảo Đài Loan và một phần Trung Quốc trong nhật thực toàn phần ngày 22/7 (ảnh phải). (Ảnh: National Geographic) |
Hai bức ảnh trên giúp người xem thấy được hình dáng của châu Á khi nhìn từ quỹ đạo địa cầu. Trong bức ảnh bên phải, bóng của mặt trăng phủ kín đảo Đài Loan và một phần khu vực phía đông nam Trung Quốc.
Trước đó khi nhật thực xảy ra ngày 29/3/2006, các nhà du hành vũ trụ trên Trạm không gian quốc tế (ISS) cũng chụp được ảnh về cảnh tượng bóng của mặt trăng di chuyển qua khu vực Trung Á. Trong bức ảnh, đảo Cyprus (thuộc Địa Trung Hải) nằm ở giữa và bên trên, còn vùng duyên hải Thổ Nhĩ Kỳ nằm bên trái.
Bóng của mặt trăng quét qua Trung Á trong nhật thực vào sáng ngày 29/3/2006. (Ảnh: National Geographic) |
Những hình ảnh trên khá hiếm vì bóng của mặt trăng chỉ xuất hiện trên trái đất khi nhật thực xảy ra. Cơ hội tiếp theo để quan sát bóng mặt trăng sẽ đến vào ngày 11/7/2010, khi nhật thực toàn phần bắt đầu từ quần đảo Cook và di chuyển tới mũi phía nam của Nam Mỹ.