Học sinh TP HCM giờ đây có thể biết chính xác vị trí của các chòm sao nhờ bản đồ sao di động của ông Nguyễn Thành Tương, giáo viên THPT chuyên Lê Hồng Phong, mà không cần ngửa cổ lên bầu trời.
Bản đồ sao di động được thiết kế dựa trên bản đồ sao gốc của National Geographic và sách bài tập thiên văn học do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành. Sản phẩm gồm ruột và vỏ ngoài. Phần ruột là một đĩa tròn in hình các chòm sao trên bầu trời đêm của thiên cầu Bắc, Nam và có thể xoay quanh một trục đi qua qua hai cực này. Phần vỏ ngoài gồm một hình vuông có khoét lỗ hổng để quan sát bầu trời đêm vào mọi thời điểm.
Người dùng chỉ cần xoay ngày tháng ghi trên vành của đĩa tròn, trùng với giờ cần quan sát in sẵn trên vỏ bọc, những chòm sao quan sát được khi nhìn về cực Bắc hoặc Nam sẽ hiện ra rõ ràng trong "cửa sổ" bản đồ. Những người chưa có kiến thức thiên văn học cũng có thể sử dụng.
Học sinh dễ dàng quan sát bầu trời nhờ bản đồ sao này. (Ảnh: L.H) |
Vượt hơn 320 sản phẩm, bản đồ sao di động dành riêng cho TP HCM và các địa phương lân cận, thuộc đề tài Những chương trình hỗ trợ giảng dạy vật lý lớp 12 của ông Nguyễn Thành Tương, THPT chuyên Lê Hồng Phong, đạt giải nhất Ngọn nến sáng tạo dành cho giáo viên tại TP HCM.
Ngoài bản đồ sao, trong đề tài "Những chương trình hỗ trợ giảng dạy vật lý lớp 12", ông Tương giới thiệu nhiều giáo cụ dạy thiên văn tự chế tạo như đồng hồ Mặt trời, mô phỏng thiên cầu, chương trình vi tính minh họa sự chuyển động của trái đất quanh mặt trời, mặt trăng trên 12 cung Hoàng Đạo. Trò chơi khoa học Hỏa tiễn phóng bằng nước do ông và các học trò triển khai hiện đang được UNESCO quảng bá trên toàn thế giới.
Lan Hương
*Chi tiết bản đồ sao di động, liên hệ:
Ông Nguyễn Thành Tương, giáo viên THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM. Số 235 Nguyễn Văn Cừ, phường 4, quận 5, TP HCM. Điện thoại: 08.8398506.