Ngày càng nhiều "sinh vật lạ" dạt bờ - xu hướng này nguy hiểm hơn bạn tưởng

Các bờ biển California đang phải đón nhận những sinh vật chưa từng thấy trong khu vực. Lý do là gì, và tại sao đây là tin cực xấu?

Nếu phải lập danh sách những vùng biển giàu đa dạng sinh học nhất, thì vùng biển  khu vực ngoài khơi California (Hoa Kỳ) thuộc Thái Bình Dương chắc chắn sẽ chiếm một suất trong top đầu. Nhưng sự đa dạng ấy dường như đã được nâng lên một tầm cao mới, khi những năm gần đây có rất nhiều "sinh vật lạ" dạt vào khu vực này.


Hải quỳ Starbust vốn là loài bản địa của Mexico, giờ bơi lên tận phía Bắc biển California.

Những con sên biển tím chưa từng tồn tại ở phía Bắc, nay bỗng dạt vào Vịnh Móng Ngựa. Sứa Velella cũng phơi mình đến hàng chục con mỗi khi triều rút xuống. Hải cẩu voi xuất hiện thường xuyên hơn, trong khi hải quỳ xanh Starbust của Mexico cũng bơi lên cạnh tranh cùng các loài hải quỳ bản địa.

Rồi thì cá voi nữa. Theo ghi nhận thì những năm gần đây, vịnh San Francisco xuất hiện nhiều cá voi hơn bình thường, lên đến 5 - 6 con trong cùng một thời điểm. Trong khi những năm trước đó, hiếm lắm mới có 1 - 2 con dạo chơi dưới cầu Cổng Vàng.


Sứa Velella.

Những con cá voi "lạ" này giờ lưu lại tới cả tháng. Thậm chí lần đầu tiên trong lịch sử người ta ghi nhận có đến 2 loài cá voi ở vịnh một lúc, mà cụ thể là cá voi xám và cá voi lưng gù. Cả 2 loài thường bơi thẳng lên phía Bắc, hướng về biển Bering để kiếm ăn vào thời điểm này trong năm. Còn giờ, chúng lưu lại đây.

Nhưng vấn đề là cũng có nhiều trường hợp xác cá voi dạt bờ hơn. Trong tháng 4, đã có ít nhất 3 con cá voi xám tử vong và dạt vào bãi biển. Dạ dày của chúng rỗng không.

"Có vẻ chúng đã rất đói, muốn kiếm vài miếng lót dạ trước khi tiếp tục hành trình lên phương Bắc" - trích lời Bill Keener, chuyên gia hải dương học tại California.

"Nhưng tại sao chúng lưu lại lâu đến thế, để rồi thiệt mạng? Chúng tôi hiện chưa thể biết mấy anh bạn xấu số này đã làm gì".

Hiện tượng kỳ lạ

Theo Keener thì 5 năm trước, vịnh Alaska ghi nhận nền nhiệt kỷ lục do băng giá tại Bắc Cực tan nhanh. Một mặt, nó khiến nhiệt độ tại Alaska tăng lên. Mặt khác, hiện tượng này tạo ra một dòng biển lạnh hướng về phía Nam, về vùng biển của California.

Rồi El Niño kéo đến, đã khiến các dòng biển chảy về phương Bắc cũng ấm lên. 2 dòng biển ấm gặp nhau tạo thành một môi trường kỳ lạ, gây ra những hiệu ứng xáo trộn vĩnh viễn lên hệ sinh thái California.

"Nó giống như một cánh cổng tạm thời đón các sinh vật phía Nam hướng lên phương Bắc" - Eric Sanford, giáo sư sinh học tại ĐH California, Davis cho biết.

"Cảnh cổng càng giữ lâu, cơ hội cho các sinh vật "Bắc tiến" càng nhiều".


Cua đỏ Palegic - một loài thuộc vùng nước ấm phương Nam đang tiến đến phương Bắc.

Gọi là "tạm", nhưng cánh cổng ấm áp này đang dần mở rộng hơn trong những năm qua. Ở thời điểm hiện tại, vẫn có những vùng nước ấm một cách kỳ lạ phía ngoài khơi California, vẫy gọi các sinh vật nhiệt đới đến vùng biển thường lạnh lẽo kéo dài tới hơn 1300km.

Năm 2018, người ta tìm thấy rắn biển bụng vàng tại Quận Cam. Đây là lần đầu tiên sinh vật này xuất hiện tại California kể từ khi hiện tượng El Niño gần nhất xảy ra. Người ta cũng tìm thấy một con rùa biển olive vào tháng 3/2019. Loài rùa này vốn sống ở các vùng nước ấm, bỗng nhiên bơi khá xa lên phương Bắc.

Tại hạt Santa Barbara, người ta thậm chí thấy cả những con cá mặt trời dạt bờ. Đây vốn là những sinh vật khổng lồ, dài 2m mà nặng đến cả tấn. Chúng chết ở một nơi vốn không phải là môi trường sống ưa thích của mình.

"Những sự kiện như vậy đang diễn ra với tần suất ngày càng nhiều," - Jacqueline Sones - chuyên gia bảo tồn đại dương nhận xét.

Sones và Sanford đã cùng nhau thực hiện một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature vào tháng 3 vừa qua, trong đó xác nhận có ít nhất 67 loài đang bị đẩy lên các vùng biển phương Bắc. Trong đó, ít nhất 37 loài chưa từng xuất hiện tại đây, và 21 loài chỉ xuất hiện vào những năm có El Niño.

Nghiên cứu cho thấy những sinh vật này dường như đến đây để định cư. Đây không hẳn là điều xấu, nhưng theo Sanford thì hiệu ứng này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu như nó không kéo dài đủ lâu và ổn định.

"Đại dương đã thay đổi quá nhanh trong thời gian ngắn. Nếu nó không ổn định thì rất đáng ngại." - Sanford cho biết.

Và xu hướng này cũng xác nhận rằng quá trình biển ấm lên đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đi theo bóng "đồ ăn"

Hệ quả của quá trình này dường như được thể hiện rõ nhất tại Trung tâm Thú Biển - một phòng thí nghiệm và là nơi cấp cứu động vật hoang dã lớn nhất thế giới - tại San Francisco. Những năm gần đây, trung tâm này liên tục đặt trong tình trạng quá tải.

Trong vòng 2 tuần gần nhất, số "bệnh nhân" ở đây đã tăng lên 90 sinh vật. Hầu hết là hải cẩu voi, trong đó đa số bị suy dinh dưỡng nặng, chỉ đạt được 1/3 so với kích cỡ vốn có. Chúng được sống trong các bể nước rộng lớn, được cho ăn, chữa trị, rồi sau đó tìm cách trả về đại dương.


Lũ hải cẩu sẽ được huấn luyện đi tìm đồ ăn trước để có thể sinh tồn ngoài tự nhiên.

Vì là những sinh vật khá yếu và non nớt nên trước khi về với biển cả, lũ hải cẩu sẽ được huấn luyện đi tìm đồ ăn trước để có thể sinh tồn ngoài tự nhiên.

"Chúng tôi đang ở tiền tuyến để cứu lấy các loài động vật biển vốn đang rất nhạy cảm với dù chỉ một thay đổi nhỏ ngoài môi trường," - giám đốc bệnh viện Shawn Johnson chia sẻ.

Năm 2015, nhiệt độ biển trong khu vực đạt đỉnh. Cũng trong năm đó, trung tâm thu nhận chữa trị cho tổng cộng 1800 con hải cẩu và hải sư. Đây là con số cao gấp 3 lần lượng trung bình. Hiện tại, mỗi năm họ nhận được 10.000 cuộc gọi thông báo giải cứu các sinh vật biển dọc theo vùng biển này.

Và lý do có những con số đột biến này chỉ là vì đồ ăn.

Trước khi "cánh cổng" ấm áp này mở ra, lượng cá cơm và cá sardine - thức ăn chính của các sinh vật biển tại đây - vốn đã giảm rất mạnh với số lượng không nhiều. Khi hải cẩu và hải sư đến mùa sinh sản, chúng tụ tập lên một vài hòn đảo và nhu cầu săn cá tăng đột biến. Nhưng vì số cá giảm, chúng ngày càng phải bơi xa hơn để kiếm thức ăn, và hệ quả là những con trưởng thành gầy đi, trong khi con non thì ngày càng suy dinh dưỡng và lại phải nhờ đến bệnh viện thu nhận.


Một con hải cẩu voi trên Vịnh Móng Ngựa.

"Có nhiều dấu hiệu cho thấy vùng biển bắt đầu không có đủ thức ăn cung cấp cho hải su và hải cẩu," - trích lời Elliott Hazen từ Trung tâm khoa học cá biển thuộc NOAA (Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ)

"Sự kiện biển ấm lên này trở nên đặc biệt là vì nó ở mức độ chưa từng thấy, nên không có bất kỳ dữ liệu nào để so sánh".

Quay lại với cá cơm, chúng là con mồi chính của cá voi lưng gù. Theo Hazen, hành vi của cá cơm cũng đang rất lạ, khi chúng ngày càng bơi gần bờ hơn. Hệ quả, cá voi cũng phải tiến vào gần bờ, dẫn đến chuyện mắc cạn ngày càng nhiều.

Và đó là những con cá voi gầy gò

Việc phải kiếm ăn gần bờ khiến cá voi gặp rất nhiều rủi ro. Trong số 11 xác cá voi được tìm thấy ở khu vực này vào năm 2018, phần lớn là do bị mắc lưới, hoặc va phải tàu thuyền.

Các rủi ro này có vẻ ngày càng nhiều hơn, tạo ra một hiện tượng đáng ngại. Tuy nhiên theo Keener, điều đáng ngại hơn có lẽ hành vi và vẻ ngoài của chúng.

"Chúng tôi thấy một lượng lớn cá voi gầy hơn bình thường".

Cá voi xám vốn là loài trong danh sách nguy cấp, nhưng đã có bước hồi sinh ngoạn mục trong vòng nửa thế kỷ vừa qua. Nhưng khi số lượng mới tăng lên thì tiếc thay, các loài cá thực phẩm cho chúng lại giảm xuống, để rồi giờ đây chúng buộc phải tự đặt mình vào vòng nguy hiểm.

"Đây thực sự là dấu hiệu không tốt" - Keener cho biết.

Cập nhật: 22/04/2019 Theo helino
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video