Ngay sau Nga và Ấn Độ, Nhật Bản sắp phóng tàu vũ trụ lên Mặt trăng

Nhật Bản phóng trạm đổ bộ đến Mặt Trăng tuần tới

Nhật Bản là quốc gia tiếp theo nhắm tới Mặt trăng, vài ngày sau khi tàu vũ trụ Nga đâm vào bề mặt của hành tinh này và tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ hạ cánh xuống cực Nam.

Tên lửa H2-A của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ cất cánh vào sáng 27/8 từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima, mang theo một vệ tinh chụp ảnh tiên tiến và một tàu đổ bộ hạng nhẹ. Nó dự kiến đáp xuống Mặt trăng vào tháng 1 hoặc tháng 2 năm sau.

Nếu thành công, JAXA sẽ có nguồn động lực để xây dựng lại danh tiếng sau loạt vụ thất bại đầy tốn kém trong năm qua.

Giáo sư Jiro Kasahara tại Khoa Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ của Đại học Nagoya nhận định, những thất bại trước đó đã gây thêm áp lực cho JAXA trong lần phóng này.

Ông cho biết hạ cánh trên một thiên thể đang chuyển động là một công nghệ cực kỳ quan trọng cần phải thuần thục. Trong khi các cơ quan vũ trụ khác đã vượt qua được những lần thất bại, JAXA sẽ gặp khó khăn nếu vẫn đi vào vết xe đổ. Giáo sư Kasahara nói: “Nhật Bản chỉ có một cơ hội duy nhất”.


Trạm đổ bộ Thông minh Điều tra Mặt Trăng (SLIM) tại Trung tâm Vũ trụ Tanegashima ngày 1/6. (Ảnh: JAXA/AFP)

Các vụ phóng thất bại

Mối đen đủi của JAXA bắt đầu từ tháng 10/2022, khi lần phóng tên lửa Epsilon thứ sáu gặp sự cố lúc đang bay. Tên lửa này mang theo hai vệ tinh trong các hợp đồng thương mại đầu tiên của JAXA.

Đây là thất bại lớn đầu tiên của tên lửa Nhật Bản kể từ năm 2003. Và kết quả điều tra cho thấy một bộ phận của tên lửa bị lỗi nên không thể đứng thẳng để tiếp cận quỹ đạo.

Một tháng sau, JAXA tiết lộ một nhóm nghiên cứu đã làm sai lệch lượng lớn dữ liệu được thu thập trong thí nghiệm mô phỏng sự sống trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Đến tháng 2/2023, cơ quan này lại hủy bỏ lễ phóng đầu tiên của H3, sản phẩm thế hệ mới của tên lửa H2-A, sau khi gặp phải trục trặc hệ thống giữa động cơ chính và bộ đẩy bên.

Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries đã dành gần một thập kỷ để phát triển H3 - tên lửa sử dụng một lần nhằm cung cấp giải pháp thay thế rẻ hơn, đáng tin cậy hơn cho các đối thủ cạnh tranh như Falcon 9 có thể tái sử dụng của SpaceX (Mỹ).

Lần phóng thứ hai vào đầu tháng 3 đã kết thúc thảm hại hơn nữa, do động cơ giai đoạn hai của tên lửa không bốc cháy được.

Các nhà điều hành đã gửi một mã tự hủy khi nó bay lên không trung, khiến tàu và vệ tinh mà nó mang theo lao thẳng xuống Biển Philippines.


Khoảnh khắc tên lửa H3 rời bệ phóng tại  trung tâm vũ trụ Tanegashima ngày 7/3. (Ảnh: Reuters).

Và sau đó vào tháng 7, động cơ của Epsilon S (phiên bản thứ bảy của tên lửa) đã phát nổ trong cuộc thử nghiệm trên mặt đất, gây ra đám cháy thiêu rụi một cơ sở ở tỉnh Akita.

Mặc dù không có thương tích nào, nhưng vụ việc là một bước thụt lùi không chỉ đối với dòng Epsilon mà còn đối với H3, vì cả hai tên lửa đều sử dụng cùng một bộ đẩy tên lửa rắn mới.

Giám đốc JAXA Hiroshi Yamakawa phát biểu tại cuộc họp báo sau vụ tai nạn: “Xem xét các sự kiện khác gần đây, chúng tôi đang tìm cách làm bất cứ điều gì có thể để cải thiện tình hình”.

JAXA đã giới hạn các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra sự cố của H3 ở bộ phận bugi đánh lửa hoặc bộ điều khiển trong động cơ giai đoạn hai.

Cơ quan này có thể ngăn sự cố lặp lại trong nỗ lực phóng tên lửa H3 tiếp theo, dự kiến trước khi kết thúc năm tài chính hiện tại vào tháng 3 năm 2024.

Giáo sư Shinichi Kimura, Ggiám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đổi mới Hệ thống Vũ trụ của Đại học Khoa học Tokyo, cho biết: “Trước năm nay, tên lửa của Nhật Bản đã hoạt động tốt, có lẽ là quá tốt, nên điều này có thể dẫn đến một số sai sót nhất định”. Và lần phóng vào ngày 27/8 tới đây sẽ cho JAXA một cơ hội để lật ngược tình hình.

Ông nói: “Đó là một sứ mệnh quan trọng, cả về mặt khoa học lẫn tính biểu tượng”.

Giáo sư Kimura và Giáo sư Kasahara là cố vấn cho hội đồng chính phủ điều tra các trục trặc của H3.

Hỗ trợ khởi nghiệp

Khi các doanh nhân Nhật Bản cố gắng xây dựng công ty khởi nghiệp về không gian, họ sẽ nhận được một số hỗ trợ từ JAXA. Space Walker là công ty tên lửa tư nhân đầu tiên nhận được tài trợ của JAXA. Cơ quan này có kế hoạch hỗ trợ thêm nhiều doanh nghiệp vũ trụ khác.

Đáng chú ý, công ty nổi tiếng nhất trong số các doanh nghiệp khởi nghiệp trên đã gặp phải một bước thụt lùi vào đầu năm nay.

Tàu đổ bộ Hakuto-R của công ty Ispace có trụ sở tại Tokyo chỉ còn vài phút nữa là thực hiện được chuyến hạ cánh lên Mặt trăng đầu tiên của đất nước này vào tháng 4. Thế nhưng, nó bị mất liên lạc với bộ phận điều khiển ở Trái đất. Sau đó, nó hết nhiên liệu và bắt đầu rơi tự do trong lần tiếp cận cuối cùng.

Ispace cho biết sẽ khởi động sứ mệnh thứ hai vào đầu năm 2024 như kế hoạch ban đầu.

H2-A - tên lửa đáng tin cậy nhất của cơ quan này với chỉ một lần thất bại trong số 42 lần phóng kể từ năm 2001 - sẽ mang theo tàu đổ bộ nhỏ thăm dò Mặt trăng, hay còn gọi là SLIM, vào cuối tuần này.

Với chiều cao chưa đến 3m, tàu đổ bộ này có thể mở đường lên Mặt trăng cho các tàu thăm dò khác với độ chính xác điều hướng cao.

Tên lửa H2-A cũng sẽ mang theo Sứ mệnh Quang phổ và Hình ảnh Tia X (XRISM), một vệ tinh giúp các nhà khoa học quan sát plasma trong các ngôi sao và thiên hà.

Cập nhật: 26/08/2023 Báo Tin Tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video