Đội quân đất nung nổi tiếng trong lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng được tạo ra bởi những công nhân và nghệ nhân chuyên ăn thịt chó.
Trong nghiên cứu công bố hôm nay trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khảo cổ ở Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck, Đức, kiểm tra xương tìm thấy trong mộ của những công nhân và nghệ nhân gần lăng mộ Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của nhà Tần ở Trung Quốc. Sau khi phân tích đồng vị carbon trong xương, họ phát hiện đa số công nhân và nghệ nhân tồn tại dựa vào chế độ ăn chủ yếu gồm thịt động vật nuôi.
Đội quân đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng. (Ảnh: SCMP).
South China Morning Post đưa tin, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Ma Ying đứng đầu so sánh thành phần các nguyên tố trong hài cốt nghệ nhân với những bộ xương động vật nuôi ở cùng thời điểm. Loài chó có tỷ lệ trùng khớp lớn nhất, sau đó là lợn và cừu. Trâu bò và gà dường như ít được tiêu thụ.
Theo Sử ký Tư Mã Thiên và Hán thư, việc tiêu thụ thịt chó rất phổ biến dưới thời nhà Tần và nhà Hán, do nhiều người kiếm sống bằng nghề bán thịt chó.
Các nhà nghiên cứu cũng kiểm tra xương của những tù nhân trong một mồ chôn tập thể và nhận thấy chế độ ăn của họ chứa ít thịt hơn nghệ nhân. Tù nhân xuất thân từ phía nam Trung Quốc có chế độ ăn chủ yếu là cơm gạo, buộc phải đảm nhận phần việc nặng nhọc nhất trong quá trình xây dựng lăng mộ hoàng gia.
Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (259 - 210 trước Công nguyên), đem quân chinh phạt tất cả các nước dưới thời Chiến quốc và thống nhất Trung Hoa. Lăng mộ của ông ở Hàm Dương, Thiểm Tây nằm dưới sự bảo vệ bởi đội quân đất nung bao gồm hơn 8.000 tượng binh sĩ có kích thước bằng người thật. Được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, các chiến binh đất nung là sản phẩm của những người thợ thủ công tài hoa và không chiến binh nào có gương mặt giống nhau.