Cảm giác bị nghẹt một bên mũi thậm chí còn khó chịu hơn so với việc tắc cả hai bên mũi.
Đôi khi theo chu kỳ mũi - sự luân phiên tắc nghẽn mũi từ bên này sang bên kia - khi bên mũi này bị tắc nghẽn do ứ máu ở các cuốn mũi thì mũi bên kia lại thông thoáng (một bên mũi của bạn sẽ được "nghỉ ngơi") - điều này hoàn toàn bình thường. Nhưng nghẹt một bên mũi có thể do các nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn khác.
Tìm hiểu về bệnh nghẹt mũi một bên
1. Nghẹt một bên mũi là gì?
Dưới đây là một số nguyên nhân có thể khiến mũi bị nghẹt/ngạt một bên:
1.1. Ngủ nghiêng
Giống như việc nằm nghiêng có thể khiến bạn bị tê một bên tay thì mũi của bạn cũng có thể gặp phải tình trạng "mất cân đối" này. Tình trạng nghẹt mũi cũng có thể xảy ra khi bạn nằm nghiêng sang một bên khiến một bên mũi úp xuống.
Nếu tình trạng nghẹt một bên mũi giảm ngay khi bạn thức dậy thì thủ phạm rất có thể là do thói quen ngủ nghiêng của mình.
Lưu ý, nếu bạn đang bị nghẹt cả hai bên mũi do dị ứng hay cảm lạnh thông thường thì tốt nhất là bạn nên nằm ngửa khi ngủ, kê đầu cao hơn một chút để cảm thấy thoải mái hơn.
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn bị nghẹt một bên mũi. (Ảnh: Internet).
1.2. Lệch/vẹo vách ngăn mũi
Nếu bạn bị nghẹt một bên mũi và tình trạng này kéo dài không hết thì có thể nguyên nhân là do vách ngăn mũi bị lệch. Khi vách ngăn bị lệch sang một bên, đường dẫn không khí ở một bên mũi sẽ hẹp hơn bên còn lại và gây ra tình trạng nghẹt mũi.
Ngoài nghẹt một bên mũi thì người bị vẹo vách ngăn mũi có thể gặp các triệu chứng khác như đau nhức đầu bên trái hoặc bên phải dựa theo tình trạng vách ngăn mũi lệch bên nào; ngủ ngáy, dễ chảy máu mũi, mũi khô hoặc chảy nước mũi sau; hít vào thở ra có tiếng ồn;...
1.3. Polyp mũi
Polyp mũi là một dạng u lành tính nằm ở hốc mũi do sự thoái hóa cục bộ của niêm mạc mũi hoặc xoang. Với polyp mũi có kích thước lớn có thể cản trở hoạt động bình thường của đường hô hấp và bạn có thể bị nghẹt một bên mũi, giảm khứu giác kèm theo nhức đầu âm ỉ hay ngủ ngáy.
1.4. Viêm mũi, viêm xoang
Viêm mũi, viêm xoang thường xuyên hoặc mãn tính do nhiễm trùng lớp niêm mạc lót mũi sưng đỏ, phù nề cản trở sự thoát nước và dịch xoang cũng như khả năng thông khí dẫn tới nghẹt mũi một bên. Nguyên nhân thường thấy của viêm xoang có thể là do vi khuẩn, virus hoặc dị ứng.
Đặc trưng của tình trạng viêm xoang mãn tính là cơn đau nhức xoang hàm, xoang trán, xoang sàn trước và xoang sàn sau. Triệu chứng khác kèm theo có thể là sốt nhẹ, sốt cao, hắt hơi liên tục (có thể kèm tia máu khi hắt hơi mạnh), ăn không ngon, mất vị giác, mờ mắt, nặng mặt,...
Nghẹt một bên mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi. (Ảnh: Internet).
1.5. Môi trường
Dị ứng, chất kích thích, thời tiết lạnh cũng có thể khiến một bên mũi bị sưng nề nhiều hơn và một bên mũi bị nghẹt. Ngay cả khi bạn không tiếp xúc với bất kì chất gây dị ứng nào thì các chất kích thích như khói, bụi, mùi khó chịu, hóa chất,... cũng có thể kích thích đường mũi, gây viêm và dẫn đến nghẹt mũi.
1.6. Dị vật trong mũi
Đôi khi sự mắc kẹt của dị vật trong mũi có thể dẫn tới tắc nghẽn một bên mũi. Điều này thường phổ biến ở trẻ nhỏ. Bạn có thể thử xì mũi để đẩy dị vật ra, tuy nhiên, nếu mũi có dịch tiết hoặc mủ chảy ra thì đã tới lúc bạn cần gặp bác sĩ.
2. Khi nào nghẹt một bên mũi cần gặp bác sĩ?
Nhìn chung, bạn có thể thử một số cách giảm nghẹt một bên mũi tại nhà chẳng hạn như máy tạo độ ẩm, tắm nước ấm, dùng bịt xịt rửa mũi với nước muối sinh lý, giữ cho đầu được cao hơn khi ngủ,...
Nói chuyện với bác sĩ nếu tình trạng nghẹt mũi xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. (Ảnh: Internet).
Nếu tình trạng nghẹt một bên mũi không thường xuyên xảy ra thì bạn không cần phải lo lắng bởi chu kỳ mũi, dị ứng hoặc cảm lạnh đều có thể gặp ở bất cứ ai. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì bạn cần quan sát các biểu hiện bất thường kèm theo, bao gồm:
- Khó thở
- Tiếng ồn (như tiết huýt sao) khi thở ra hoặc hít vào
- Ngáy nhiều hơn
- Chảy máu mũi
- Mặt bị nặng, đau mặt (đau xoang)
- Khứu giác bị giảm.
Nếu bạn cảm thấy bản thân có bất kì triệu chứng nào kể trên kèm theo nghẹt mũi, hay thăm khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân gây bệnh và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Lưu ý, không nên tự ý mua các thuốc nhỏ hoặc uống cần phải kê đơn để tự điều trị.