Nghiên cứu đề xuất thêm cấp độ 6 cho bão

Trong một số nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã đề xuất việc thêm mức thang mới hoặc điều chỉnh các mức hiện tại trong hệ thống phân loại bão để phản ánh sự mạnh mẽ và nguy hiểm của các siêu bão.

Các nhà khoa học đề xuất thêm mức thang mới trong phân loại bão bởi, nguy cơ xảy ra các siêu bão ngày càng lớn bắt nguồn từ khủng hoảng khí hậu.


Tàu thuyền về bờ tránh bão Hilary tại Acapulco, bang Guerrero, Mexico, ngày 16/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một nghiên cứu mới, các cơn bão đang ngày càng mạnh hơn nên việc phân loại chúng nên được mở rộng để bao gồm cơn bão “cấp 6” từ mức hiện hành gồm cấp 1 đến cấp 5.

Tờ Guardian (Anh) còn dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết, trong thập niên qua, có 5 cơn bão có thể xếp vào cấp độ mới này, bao gồm tất cả cơn bão có sức gió duy trì từ 309km/h trở lên. Nghiên cứu cho thấy những cơn bão lớn như vậy ngày càng có nhiều khả năng xảy ra do sự nóng lên toàn cầu, của đại dương và bầu khí quyển.

Nhà khoa học Michael Wehner tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley ở Mỹ, cho biết tốc độ 309km/h có lẽ còn nhanh hơn hầu hết các siêu xe Ferrari. Ông và một nhà nghiên cứu khác là James Kossin tại Đại học Wisconsin-Madison đã đề xuất về phân loại bão “cấp 6” mới. Nghiên cứu của họ đã xuất hiện trong báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ.

Thang đo bão phổ biến hiện nay có tên Saffir-Simpson, được phát triển vào đầu những năm 1970 bởi kỹ sư Herbert Saffir và nhà khí tượng học Robert Simpson, người từng giữ chức giám đốc Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ.

Saffir-Simpson phân loại các cơn bão có tốc độ gió tối đa duy trì từ 119km/h trở lên là bão cấp 1. Cấp 3 trở lên bao gồm các cơn bão lớn có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và tính mạng. Mạnh nhất là cấp 5, bao gồm tất cả các cơn bão có tốc độ 252km/h trở lên.

Các cơn bão cấp 5 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong những năm gần đây. Ví dụ như bão Katrina ở New Orleans (Mỹ) năm 2005 và bão Maria tại Puerto Rico năm 2017. Nhưng nghiên cứu mới cho rằng hiện nay đã xuất hiện loại bão thậm chí còn cực đoan hơn đòi hỏi phải có xếp loại riêng. Chúng bao gồm bão Haiyan khiến hơn 6.000 người thiệt mạng ở Philippines năm 2013 và bão Patricia đạt tốc độ tối đa 346km/h khi hình thành gần Mexico năm 2015.

Khủng hoảng khí hậu không làm tăng tổng số cơn bão nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng cường độ của các cơn bão lớn đã tăng lên đáng kể trong suốt 4 thập niên qua. Một đại dương siêu nóng đang cung cấp thêm năng lượng để “thêm dầu vào lửa” cho các cơn bão, kèm theo đó là bầu không khí ấm hơn, đầy hơi ẩm.

Trong thời gian qua, nhiều thang đo hiện tượng thời tiết cực đoan đã được điều chỉnh để thích ứng với thay đổi nhanh chóng của thời kỳ hiện đại. Cục khí tượng học Australia đã thêm màu mới là màu tím vào bản đồ thời tiết cho tình trạng nắng nóng dữ dội. Vào tháng 1, chương trình Theo dõi rạn san hô của chính phủ Mỹ đã bổ sung ba loại cảnh báo mới để ghi nhận tình trạng căng thẳng nhiệt ngày càng tăng mà san hô phải gánh chịu.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ sớm có phân loại bão cấp 6 chính thức. Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ đã không phản hồi đề nghị bình luận từ báo chí về nghiên cứu mới này.

Cập nhật: 15/02/2024 Báo Tin tức
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video