Nghiên cứu giải độc lá ngón bằng rau má

Đề tài nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Khoa Sinh, Đại học Đà Lạt tập trung mô tả vùng phân bố của cây lá ngón, cách phân biệt lá ngón với các loại cây thuốc và rau ăn phổ biến, biện pháp sơ cứu khi bị ngộ độc để giảm thiểu các ca tử vong.

Lá ngón (còn gọi là cây co ngón, rút ruột, hoàng đằng, hồ mạn đắng, đoạn trường thảo) khá phổ biến ở miền rừng núi nước ta, ngay cả ở vùng rừng ngập mặn – nơi chỉ có một số loài thực vật đặc thù.

Hầu như tỉnh thành nào cũng có sự xuất hiện của cây lá ngón. Tại Lâm Đồng, mặc dù điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, độ cao có sự khác biệt rất lớn nhưng tất cả các huyện, thị đều có cây lá ngón: Từ thôn Cao Xinh (Gia Viễn, Cát Tiên) ở độ cao 200m so với mặt nước biển đến thôn Đưng K’Si (Đạ Chais, Lạc Dương) 1.500m hay đỉnh núi Lang Biang hơn 1.900m.

Là loài cây ưa sáng nên lá ngón thường mọc chỗ đất trống, bìa rừng, ven đường như đèo Bảo Lộc (TX Bảo Lộc), đèo Chuối (Đạ Huoai), xã Hòa Bắc (Di Linh), xã Ka Đô (Đơn Dương), Núi Voi (Đức Trọng), xã Đạ Rsal (Đam Rông)…


Cây lá ngón. (Ảnh: Kim Anh).

“Quá trình điều tra thực địa, gặp nhiều phụ nữ đồng bào thiểu số đi hái rau rừng, tôi đã đưa cho họ xem lá ngón và hỏi đây có phải là lá ăn vào chết người không thì họ bảo không phải, không biết” - Thạc sĩ Dũng, thuộc nhóm nghiên cứu, bày tỏ sự lo lắng.

Lá ngón độc như thế nào?

Lá ngón không những rất giống mà còn mọc gần nhiều cây thuốc và rau ăn nên dễ dẫn đến sự nhầm lẫn gây hậu quả chết người.


Lá ngón có hoa màu vàng.

Đặc điểm quan trọng để phân biệt là lá ngón có hoa màu vàng, còn hầu hết cây thuốc và rau ăn gần giống lá ngón như là thủ ô nam, bướm bạc cam bốt, chè vằng, lài gân, lá bép, Lá giang… đều ra hoa màu trắng.

Nguy hiểm hơn, các nhà khoa học phát hiện tại khu vực Suối Vàng (Lạc Dương), cây thuốc bướm bạc mọc trong cùng một bụi với lá ngón.

Chỉ cần ngắt lá, bẻ cành, để chất nhựa độc dính vào tay rồi vô tình tiếp xúc với đồ ăn, vết thương hở, lập tức các độc tính sẽ gây ra triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn dẫn đến chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Giải độc lá ngón bằng rau má

Chỉ cần nhầm lẫn bứt vài lá ngón cho vào gói lá thuốc cũng đủ dẫn đến chết người bởi lá ngón cực độc. Theo nhóm tác giả ở khoa Sinh, 9 phút sau khi uống 3 giọt dung dịch (10g lá ngón tươi/10ml nước cất), chuột đã lăn ra chết.


Việc thử nghiệm giải độc lá ngón bằng rau má đang được tiến hành.

Với con người, chỉ cần ăn 3 lá ngón hoặc 1 lá ngón với một chút rượu sẽ bị thiệt mạng. Không chỉ lá mà tất cả các bộ phận rễ, thân, hoa, quả và hạt của lá ngón đều chứa các chất độc nguy hại.

Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp.

Sở dĩ ngộ độc lá ngón gây tử vong rất nhanh vì độc tính nội tại của nó quá mạnh. Bởi thế, khi có biểu hiện ngộ độc phải lập tức áp dụng kinh nghiệm dân gian như giã thật nhiều cây rau má hoặc rau muống, vắt lấy nước cốt uống để làm giảm độc tính của lá ngón, sau đó đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Thạc sĩ Dũng cho biết: “Hiện Tây y chưa có huyết thanh để giải độc tính của lá ngón nên những kinh nghiêm đó là rất quý giá. Chúng tôi đang đề nghị trường Đại học Đà Lạt cho tiếp tục triển khai đề tài thử tính giải độc lá ngón của rau má, rau muống và một số thực vật khác có tính giải độc cao hơn”.

Kim Anh

Cập nhật: 13/02/2017 Theo Tiền phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video