Nghiên cứu mới: Cây cũng có mạng "www" để giao tiếp

Lòng đất dưới chân chúng ta có một mạng lưới vi sinh vật rộng lớn được mệnh danh "wood wide web", hay còn gọi là mạng xã hội của cây. Mạng này cho phép các cây giao tiếp và chia sẻ tài nguyên với nhau, theo nghiên cứu mới đây.

Nghiên cứu đã chỉ ra bên dưới lòng đất của mỗi khu rừng có một mạng lưới phức tạp của rễ, nấm và vi khuẩn giúp kết nối cây và thực vật với nhau. Mạng xã hội ngầm có tuổi đời gần 500 triệu năm này được biết đến với cái tên "wood wide web".


Mạng "wood wide web" của cây rừng - Ả(nh: DW)

Hầu hết cây cối và thực vật phụ thuộc vào nấm rễ để lấy các chất dinh dưỡng quan trọng. Cây cối sẽ không thể tồn tại nếu không có mạng lưới nấm khổng lồ hoạt động dưới mặt đất.

Khi khuất tầm nhìn, những sợi nấm siêu nhỏ lan tỏa khắp đất, giống như một mạng Internet dưới lòng đất, giúp kết nối thực vật và cây cối với nhau, Đài truyền hình DW cho biết.

Cây có thể sử dụng hệ thống "wood wide web" này để trao đổi nước, nitơ, carbon và các chất dinh dưỡng khác, hoặc thậm chí nhận cảnh báo trước về các mối đe dọa.

Theo nhà sinh thái học Thomas Crowther (Đại học ETH Zurich, Thụy Sĩ) và là thành viên nhóm các nhà khoa học đã phát triển bản đồ toàn cầu đầu tiên về mạng "wood wide web", mạng lưới nấm rễ đã có từ gần 500 triệu năm trước. Chúng hoạt động như một "bộ não của rừng", có tác dụng giữ cho toàn bộ hệ sinh thái trong lành.

Ông giải thích: "Cây cối có mối quan hệ cộng sinh với nấm rễ len lỏi xung quanh và ăn sâu vào rễ của chúng. Thực vật truyền carbon cho các đối tác nấm của chúng, đổi lại chúng nhận được các chất dinh dưỡng như phốt pho và nitơ mà nấm lấy từ đất".

Ngoài ra, thực vật cũng sử dụng mạng lưới nấm rộng lớn dưới lòng đất này để tương tác với nhau. Chúng chuyển thông tin, chất dinh dưỡng, đường và nước đến các cây khác trong hệ thống cần nó nhất.

"Những cây đang gặp khó khăn về chất dinh dưỡng thường sẽ được mạng 'wood wide web' tăng cường hỗ trợ. Mạng lưới nấm sẽ phân phối lại chất dinh dưỡng cho những cây đang gặp khó khăn hoặc những khu vực có nhiều côn trùng gây hại", ông Crowther nói.

Khi cây con được nối vào mạng lưới, chúng có thể được bơm chất dinh dưỡng và nước từ những cây trưởng thành hơn. Điều này giúp chúng phát triển và nâng cao khả năng phục hồi khi đối mặt với căng thẳng.

Khi cây sắp chết cũng có thể sử dụng mạng để chuyển chất dinh dưỡng của chúng sang các cây lân cận.

Cây cối còn có thể nhận được tín hiệu cảnh báo sớm về các mối đe dọa thông qua mạng "wood wide web" nếu "hàng xóm" đang bị tấn công. Ví dụ, khi bị rệp và sâu bướm tấn công, cây chủ động sản xuất hóa chất phòng vệ để bảo vệ mình.

Mạng lưới nấm rễ hỗ trợ các hệ sinh thái và làm cho rừng có khả năng phục hồi. Chúng cũng là những bể chứa carbon khổng lồ, giữ cho CO2 bị khóa dưới lòng đất.

Tuy nhiên, việc mở rộng nông nghiệp, ô nhiễm do phân bón hóa học và nạn phá rừng đang khiến các mạng vi sinh vật này gặp rủi ro.

Theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 178 triệu ha rừng - gấp ba lần diện tích nước Pháp - đã bị mất trong 3 thập kỷ qua. Khi cây bị chặt, nấm dưới đất cũng bị tiêu diệt.

Các nhà nghiên cứu phát hiện việc khai thác gỗ có thể làm giảm sự phong phú của nấm rễ trong lòng đất tới 95%.

Theo ông Crowther, nhiệt độ gia tăng liên quan đến biến đổi khí hậu cũng có thể khiến các loại nấm "có khả năng làm thất thoát carbon vào khí quyển", dẫn đến hiện tượng toàn cầu ấm lên thêm.

Nấm rễ đã tạo nền tảng cho sự sống trên Trái đất trong hàng triệu năm. Bằng cách phá vỡ các mạng "wood wide web" phức tạp mà chúng hình thành bên dưới lòng đất, chúng ta cũng đang gây nguy hiểm cho sự tồn tại của các sinh vật và của chính mình.

Cập nhật: 02/08/2022 Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video