Phân tích dữ liệu quan sát được trong suốt 40 năm qua, các nhà khoa học nhận định các cơn bão nhiệt đới Bán Cầu Bắc đã đang dần mạnh lên. Kết luận này hậu thuẫn giả thuyết đã được cân nhắc từ lâu, rằng biến đổi khí hậu khiến sức tàn phá của những cơn bão nhiệt đới ngày một đáng ngại.
Bộ dữ liệu với hình ảnh vệ tinh chụp từ năm 1979 cho thấy: nhiều khả năng, việc nóng lên toàn cầu khiến tỷ lệ một cơn bão biến thành bão cấp 3 hoặc hơn (với sức gió hơn 178 km/h) là 8% với mỗi thập kỷ trôi qua.
“Xu hướng này thực sự tồn tại”, James P. Kossin, một nhà nghiên cứu công tác tại Ban Đại dương và Khí hậu Quốc gia và cũng là tác giả chính của nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín PNAS, cho hay. “Có một lượng đáng kể bằng chứng cho thấy chúng ta đang khiến các cơn bão hiểm độc hơn trước”.
Cơn bão Florence (Đại Tây Dương, 2018) nhìn từ trạm ISS.
Các quy luật vật lý cho chúng ta biết rằng khi Trái đất nóng, các loại bão sẽ mạnh hơn bởi lẽ nước ấm sẽ cung cấp thêm năng lượng cho bão. Đã từ lâu, các mô hình giả lập thời tiết cho thấy hành tinh của ta càng nóng, bão càng mạnh.
Tuy nhiên, khoa học khó có thể khẳng định điều trên thông qua quan sát đơn thuần, do số lượng bão một năm không đủ nhiều để nghiên cứu, bên cạnh việc lấy dữ liệu về thông số cơn bão không dễ dàng vậy. Nhiều khi một cơn bão không đe dọa tới tính mạng con người sẽ bị xem nhẹ, nên dữ liệu nghiên cứu không nhiều.
“Nhìn chung, chúng ta đang thực hiện không tốt việc đo đạc bão nhiệt đới khắp thế giới”, giáo sư Kerry Emanuel tới từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nói. “Ta đều tin rằng con người sẽ chứng kiến thêm những cơn bão mạnh, nhưng khó có thể tìm thấy dữ liệu khẳng định điều đó”.
Giáo sư Kossin và cộng sự vượt qua trở ngại trên bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh của các cơn bão khắp thế giới, sử dụng máy tính với một thuật toán trùng khớp đặc biệt để tìm ra mẫu hình cụ thể. Họ đã từng thực hiện một nghiên cứu tương tự hồi năm 2013, tuy nhiên họ chỉ sử dụng hình ảnh của giai đoạn 1982-2009 nên dữ liệu không mấy rõ ràng. Bộ dữ liệu của nghiên cứu mới có thêm hình ảnh của bão trong 11 năm nữa, đã cho nhóm các nhà khoa học một kết quả cụ thể hơn.
“Trong lần đầu tiên chúng tôi tìm thấy xu hướng mạnh lên của bão, chúng tôi không đủ tự tin cần thiết [để đưa lời khẳng định]”, giáo sư Kossin nói. Kết quả đã khác biệt nhiều trong lần nghiên cứu này.
Cơn bão nhìn từ vũ trụ.
Nhờ nghiên cứu mới quan sát các cơn bão nhiệt đới trên khắp thế giới, các nhà khoa học có lượng dữ liệu nhiều hơn hẳn. Và vì mỗi vùng lại có những đặc tính riêng, những yếu tố có thể ảnh hưởng được tới cơn bão, nên lại càng khó để chỉ đích xác tác động của yếu tố biến đổi khí hậu lên độ mạnh của bão chỉ với dữ liệu của một vùng cụ thể.
“Khi bạn nhìn vào bức tranh toàn cầu, các biến số của từng vùng sẽ thường mờ dần đi. Xu hướng chung sẽ nổi bật hơn cả”, giáo sư Kossin nói.
Còn nhiều ý kiến chỉ ra những yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới bão, không chỉ có nhiệt độ bề mặt biển mà còn có các yếu tố khí hậu khác. Dù thứ gì là yếu tố chính ảnh hưởng tới cơn bão đi nữa, nghiên cứu mới vẫn cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ đóng vai trò lâu dài trong sức bão tại Bắc Đại Tây Dương nói riêng và toàn cầu nói chung.