Nghiên cứu mới gây choáng váng: Trước người hiện đại, một loài khác đã biết nói?

Một loài xuất hiện trước người hiện đại Homo sapiens hàng trăm ngàn năm đã để lộ điều không tưởng trong hộp sọ hóa thạch, có thể khiến lịch sử tiến hóa phải được viết lại.

Chụp CT độ phân giải cao và tái tạo mô hình 3D hộp sọ của "người anh em khác loài" Neanderthals, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ nhân loại học Mercedes Conde-Valverde từ Đại học Alcala ở Tây Ban Nha chứng minh loài này hoàn toàn có khả năng nghe và tạo ra âm thanh dạng lời nói.

Điều này cho thấy chúng ta có thể không phải là loài "độc quyền" sở hữu thứ ngôn ngữ cao cấp như lầm tưởng trước đây, theo Science Alert.

Như nhiều nghiên cứu hơn một thập kỷ qua chỉ ra, Homo sapiens chúng ta, còn gọi là người tinh khôn hay người hiện đại, chỉ là một trong các loài của chi Homo (chi Người), vì các loài khác đã tuyệt chủng nên thế giới con người ngày nay chỉ bao gồm người hiện đại.

Trong các loài đã tuyệt chủng, Neanderthals là một trong các loài được chú ý nhất.


Một hộp sọ Neanderthals và người đầu tiên giải trình tự gene của loài này - GS Svante Pääbo - (Ảnh: EL PAIS).

Không chỉ từng có thời gian tồn tại song song, hôn phối dị chủng và để lại dòng máu lai trong chúng ta, họ còn phát triển nhiều kỹ năng không tưởng trong việc chế tác công cụ, vật dụng hàng ngày, các tác phẩm nghệ thuật, nghi lễ...

Trong nghiên cứu mới, mô hình 3D cấu trúc tai của một cá thể Neanderthals được đối chiếu với mô hình tương đương của Homo sapiens và hóa thạch "Sima de ló Huesos hominin", một loài tổ tiên.

Nhóm nghiên cứu phát hiện người Neanderthals có thính giác tốt hơn trong phạm vi 4-5 kilohertz so với tổ tiên, điều giúp họ nghe được âm thanh có tần số gần với những gì người hiện đại nghe được. Và điều này giúp họ nghe được giọng của nhau.

Kết quả này chính là mảnh ghép còn thiếu của một nghiên cứu năm 2021 dẫn đầu bởi nhà cổ nhân loại học Rolf Quan từ Đại học Binghamton (Mỹ), cũng phân tích hộp sọ cho thấy các cấu trúc xương ủng hộ khả năng nghe và nói.

Tuy vậy, việc phát triển các "công cụ" cần để nghe và nói không giúp chứng minh họ có ngôn ngữ.

Điều quan trọng để có ngôn ngữ, có sự giao tiếp, đó là họ phải nghe được lời nói của nhau như cách của chúng ta hiện nay. Nghiên cứu mới đã xác nhận điều đó.

Thậm chí tần số mà họ nghe được còn cho thấy tiếng nói của họ có phụ âm, khác với cách tiếng kêu chủ yếu chỉ toàn nguyên âm của các loài linh trưởng không phải người khác. Nói chung, loài này hoàn toàn có thể nói một ngôn ngữ tương tự tiếng Anh này nay.

Điều duy nhất còn thiếu là chứng minh khả năng nhận thức của người Neanderthals đủ để tạo ra và sử dụng ngôn ngữ.

Tuy vậy, các bằng chứng khác về bộ não to của loài này, các hành vi phức tạp trong xã hội Neanderthals ủng hộ giả thuyết họ đã giao tiếp với nhau.

"Kết quả của chúng tôi, cùng với các khám phá gần đây cho thấy hành vi mang tính biểu tượng của người Neanderthals, củng cố ý tưởng rằng họ sở hữu một loại ngôn ngữ của con người, phức tạp và hiệu quả so với bất kỳ hệ thống giao tiếp bằng miệng nào khác của các sinh vật không phải người trên hành tinh" - nhóm tác giả viết trên Nature Ecology & Evolution.

Cập nhật: 27/11/2023 NLĐ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video