Nghiên cứu mới: Không nên đánh thức trẻ dưới 2 tuổi dậy khi bé đang ngủ

Trước hai tuổi rưỡi, giấc ngủ giúp xây dựng cơ sở hạ tầng não bộ của trẻ. Sau hai tuổi rưỡi, giấc ngủ đóng một vai trò hoàn toàn mới. Đó là lý do vì sao các cha mẹ nên tránh việc đánh thức bé dậy khi bé đang ngủ.

Lo con thức đêm, nhiều cha mẹ không cho bé ngủ ban ngày để bé ngủ sâu vào ban đêm. Để luyện thói quen ngủ này, họ thường đánh thức các bé dậy, tìm cách cho bé chơi đùa để tỉnh ngủ, cốt để đêm xuống bé ngủ trọn giấc tới sáng.

Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học mới đăng trên tạp chí Science Advances cho thấy đây là việc làm sai lầm, có thể gây tổn hại cho trẻ.


Bộ não trẻ xây dựng và kiến tạo củng cố các khớp thần kinh trong khi ngủ - (Ảnh: EARTH).

Trước nay chúng ta đều biết thiếu ngủ có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nhưng nhiều vấn đề về mục đích và chức năng của việc ngủ vẫn còn là một bí ẩn.

Một nhóm các nhà khoa học Mỹ và Anh trong quá trình nghiên cứu tìm câu trả lời "vì sao chúng ta cần ngủ" đã lần đầu tiên phát hiện ra rằng mục đích của giấc ngủ có sự thay đổi đáng kể trong giai đoạn đầu đời. Từ đó, họ phát hiện ra một sai lầm mà hàng triệu cha mẹ đang mắc phải.

Theo các nhà khoa học, trước hai tuổi rưỡi, não bộ phát triển rất nhanh. Khi những giấc mơ sống động xảy ra trong giai đoạn REM, não trẻ sẽ xây dựng và củng cố các khớp thần kinh, là cấu trúc kết nối các tế bào não để chúng có thể giao tiếp với nhau.

Giai đoạn REM là một trong hai giai đoạn của một chu kỳ ngủ, bao gồm NREM và REM. Giai đoạn ngủ REM thường xảy ra từ 1,5 - 2 giờ, là khi con người ở trong trạng thái thả lỏng, tạm thời tê liệt cơ, mắt di chuyển nhanh, liên tục có những giấc mơ.

"Không nên đánh thức trẻ trong giai đoạn ngủ REM, bất kể đó là ngủ ngày hay đêm, bởi vì "công việc quan trọng" đang được thực hiện trong não khi các bé ngủ", trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Gina Poe - khoa sinh học và sinh học mô hình tại Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ - người đã nghiên cứu về giấc ngủ trong hơn 30 năm cho biết.

Sau hai tuổi rưỡi, mục đích chính của việc ngủ nghỉ sẽ chuyển từ "xây dựng não bộ" sang "duy trì và sửa chữa" nó, và điều này trở thành vai trò vĩnh viễn suốt cả cuộc đời sau này.

Khi chúng ta thức dậy, một lượng tổn thương thần kinh nhất định tích tụ tự nhiên trong thời gian này, bao gồm tổn thương gene và protein trong tế bào thần kinh. Theo thời gian, những mảnh vụn này có thể tích tụ và gây ra bệnh não. Giấc ngủ giúp sửa chữa tổn thương này. Về cơ bản sẽ là giải phóng não và loại bỏ các mảnh vụn có thể dẫn đến các bệnh về não nghiêm trọng.


Sau hai tuổi rưỡi, mục đích chính của việc ngủ nghỉ sẽ chuyển từ "xây dựng não bộ" sang "duy trì và sửa chữa" nó - (Ảnh: CNN).

Thành viên nhóm nghiên cứu, giáo sư Van Savage - khoa y học tính toán và sinh học tiến hóa tại Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ - cho biết rằng ông như bị "sốc" khi phát hiện gần như tất cả quá trình sửa chữa não bộ này xảy ra trong khi chúng ta ngủ.

"Sự thay đổi này diễn ra rất lớn trong một khoảng thời gian ngắn. Đặc biệt là sự chuyển đổi từ xây dựng não bộ sang sửa chữa não bộ xảy ra khi chúng ta còn quá trẻ. Đó là một sự chuyển đổi tương tự như khi nước đóng băng thành băng", giáo sư Van Savage nói.

Kết luận này đưa ra sau khi các nhà khoa học đã tiến hành phân tích các thống kê toàn diện nhất về giấc ngủ từ trước cho đến nay. Phân tích tập trung vào dữ liệu từ hơn 60 nghiên cứu liên quan đến con người và các loài động vật có vú khác.

Bằng chứng nhất quán cho thấy rằng bộ não tất cả các loài đều có sự "kiến tạo, xây dựng" mạnh mẽ trong giai đoạn giấc ngủ REM trước 2,5 tuổi ở người và các mức tuổi tương đương ở động vật.

Trong khi cơ thể trẻ sơ sinh dành khoảng 50% thời gian trong giai đoạn REM để nghỉ ngơi thực sự, thì con số này giảm xuống còn 25% vào năm 10 tuổi và tiếp tục giảm dần theo độ tuổi.

"Giấc ngủ cũng quan trọng như thức ăn. Và thật kỳ diệu khi giấc ngủ phù hợp với nhu cầu của hệ thần kinh của chúng ta. Từ sứa, chim, cá voi, tất cả mọi người đều ngủ. Trong khi chúng ta ngủ, bộ não của chúng ta không được nghỉ ngơi", giáo sư Poe cho biết.

Thiếu ngủ mãn tính có thể góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài như mất trí nhớ, tiểu đường, béo phì và các rối loạn nhận thức khác. Khi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ thì không nên cố gắng chống lại mà hãy đi ngủ.

Cập nhật: 25/09/2020 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video