Một nghiên cứu mới đây do Quỹ Fred Hollows và Viện nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu George thiết kế đã chỉ ra rằng, phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những biện pháp can thiệp y tế có hiệu quả kinh tế nhất tại các quốc gia đang phát triển.
>>> Phát minh mới cho bệnh nhân đục thủy tinh thể
Nghiên cứu cho thấy, một năm sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, đã có 17% số bệnh nhân tại Việt Nam bớt gặp các khó khăn về kinh tế so với trước khi phẫu thuật. Nói cách khác, các bệnh nhân sau khi nhìn thấy trở lại có thể tự chi trả các chi phí sinh hoạt, các khoản thuê nhà và những chi phí y tế góp phần rất lớn trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Ông Brian Doolan – Giám đốc điều hành của Quỹ Fred Hollows nói: “Chúng ta đã luôn biết rằng phục hồi thị lực là một cách hiệu quả giúp thay đổi cuộc sống của rất nhiều người, nhưng nghiên cứu này đã dẫn ra các bằng chứng vững chắc về tầm quan trọng của việc phục hồi thị lực không chỉ riêng cho cá nhân người bệnh mà cho toàn xã hội trong một thời gian dài".
“Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi đến các chính phủ và những nhà hoạch định chính sách đó là loại bỏ mù loà không chỉ là sự đầu tư cho con người, mà còn là một sự đầu tư rất tốt về mặt kinh tế”. – Ông cho biết thêm.
Diễn viên Úc Jessica Mc.Namee chia sẻ niềm vui sáng mắt cùng cụ Thống (86 tuổi), dự án FHF tại Quảng Nam - (Ảnh Hạnh Trần FHF VN)
Nghiên cứu về lợi ích kinh tế của việc phẫu thuật đục thuỷ tinh thể đã được tiến hành vào năm 2011 và 2012 tại các cơ sở y tế được Quỹ Fred Hollows hỗ trợ tại Việt Nam. Tại đây, các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể đã được phỏng vấn trước khi phẫu thuật và lặp lại sau khoảng thời gian sáu tháng, một năm sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật người dân có thể tăng giờ làm việc lên khoảng 45 giờ mỗi tháng. Kết quả, thu nhập trung bình đầu người hàng năm cũng tăng từ 451 đô la Mỹ lên 509 đô la Mỹ. Đối với những người cực nghèo thì sự cải thiện về chất lượng cuộc sống càng được thể hiện rõ rệt, đặc biệt là những gia đình không có nhà vệ sinh và nước sạch khép kín.
Nghiên cứu VISIONARY (Điều tra về tác động của phẫu thuật đục thuỷ tinh thể đến tâm lý và kinh tế) cũng cho thấy, sau phẫu thuật số giờ dành cho công việc nhà của bệnh nhân, được tăng từ 93 lên 183 giờ một tháng. Những công việc nhà không chỉ góp phần giúp gia đình ổn định, mà còn giúp cho những người chăm sóc bệnh nhân trước đây, thông thường là trẻ em, có cơ hội được đến trường hoặc đi làm việc đối với người lớn.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể ở bệnh nhân cả về thể lực lẫn trí lực sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Họ có giấc ngủ ngon hơn, quan hệ với người khác tốt hơn và hạnh phúc hơn.
“Nghiên cứu VISIONARY cho thấy rõ ràng rằng phẫu thuật đục thủy tinh thể đã giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và gia đình họ. Nhờ vậy, nền kinh tế cũng được hưởng lợi từ kết quả đó", Ông Doolan cho biết thêm. "Với những bằng chứng mà nghiên cứu VISIONARY đã chỉ ra, chúng tôi hi vọng chính phủ các nước sẽ tiếp tục cam kết duy trì tài trợ cho phẫu thuật đục thủy tinh thể trên khắp thế giới".
Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh đục thủy tinh thể chiếm khoảng 51% nguyên nhân gây mù và ảnh hưởng hơn 20 triệu người trên toàn thế giới.
Vào năm 1992, cố Giáo sư Fred Hollows đến Việt Nam để giới thiệu kỹ thuật và đào tạo mổ đục thủy tinh thể hiện đại, lúc đó chỉ có khoảng 1.000 ca đục thủy tinh thể được phẫu thuật. Cho đến nay, số ca phẫu thuật đục thuỷ tinh thể hằng năm đã tăng lên hơn 200.000 ca.