Ngộ độc vì... tay bẩn!

Phần lớn những người làm dịch vụ ăn uống chưa có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh! Cứ 10 vụ nhiễm độc thực phẩm thì có đến 7 vụ liên quan đến bàn tay bẩn, các chuyên gia y tế cho biết.

Rửa tay sạch là biện pháp phòng lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân và nhân viên y tế (Ảnh: fmponline)

PGS. Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: 70% các vụ nhiễm độc thực phẩm có liên quan đến bàn tay bẩn. Nếu không giữ sạch, tay là nơi vận chuyển vào cơ thể vi khuẩn, hóa chất độc hại từ môi trường và các chất bẩn khác do tiếp xúc thông thường.

Vài năm gần đây, trong nước đã có 4 vụ ngộ độc bánh dày (600 người) do bàn tay bẩn gây nên. Một hàng bún rong bán trước cổng trường tiểu học hai lần gây ngộ độc mà nguyên nhân là do người bán dùng tay bẩn bốc thức ăn.

Một cơ sở chế biến thực phẩm cung cấp suất ăn cho cơ sở giày da và may xuất khẩu phía Nam đã làm công nhân cả hai cơ sở ngộ độc. Qua điều tra, xét nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện, người thái thịt của cơ sở này bị chín mé (một triệu chứng viêm nhiễm đầu ngón tay, chân). Do không giữ vệ sinh, vết thương gây bẩn cho thức ăn và ngộ độc cho người ăn.

Các xét nghiệm nhanh với mẫu bàn tay còn cho thấy, phần lớn những người làm dịch vụ ăn uống chưa có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh. Các hành vi theo thói quen như gãi, tiếp xúc với đầu tóc, mũi và các phần khác trên cơ thể đều có thể nhiễm bẩn và làm lây nhiễm nguồn bệnh.

Nhân viên y tế cũng phải học... rửa tay

Không chỉ với nhân viên bán hàng và chế biến thực phẩm, việc giữ bàn tay sạch đặc biệt quan trọng đối với các nhân viên y tế. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, rửa tay sạch cũng cần thao tác đúng cách.

Các bác sĩ ngoại khoa thực hiện phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân phải rửa tay theo các quy trình rất nghiêm ngặt trước khi mổ: chấm cồn iod vào các đầu móng tay đã cắt ngắn, cọ sạch tay bằng bàn chải và dung dịch sát trùng; sau ít phút, cọ lại tay bằng một bàn chải sạch khác, tiếp đó ngâm tay vào cồn rồi mới có thể phẫu thuật.

Giám đốc một bệnh viện cho biết: "Nếu không rửa sạch tay, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng vết mổ".

Thực tế, kết quả kiểm tra về rửa tay sạch tại bệnh viện cho thấy, 10% bàn tay sau rửa vẫn còn vi khuẩn. Không thể cho rằng, găng tay tiệt trùng có thể đảm bảo tuyệt đối vì găng tay có thể rách trong khi phẫu thuật.

Rửa tay sạch còn là biện pháp phòng lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Nhưng cũng theo Vụ Điều trị, việc chống nhiễm khuẩn bệnh viện hiện còn nhiều bất cập: đa số hộ lý chưa được đào tạo về vệ sinh bệnh viện nên thực hiện các quy trình vệ sinh chưa đúng quy định.

Tình trạng quét khô, dùng một tải để lau nhiều buồng bệnh, các tải lau không được giặt sạch sau khi làm vệ sinh còn rất phổ biến. Những thực hành vệ sinh không đúng cách là điều kiện phát tán vi sinh vật trong bệnh viện và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Theo Thanh Niên, Tiền Phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video