Ngôn ngữ của con người bắt nguồn từ bài hát của vượn và chim

Mới đây, các nhà khoa học tại MIT vừa công bố nghiên cứu mới về sự tiến hóa của ngôn ngữ con người. Theo đó, ngôn ngữ của con người đại diện cho sự pha trộn của 2 hệ thống thông tin liên lạc khác nhau tương tự như âm thanh của khỉ và tiếng hót của loài chim. Một cách cụ thể, nội dung ngôn ngữ của con người có nguồn gốc từ tiếng kêu báo động của loài khỉ, trong khi đó, hệ thống ngữ pháp có thể được hình thành từ tính diễn cảm của tiếng hót loài chim. Công trình nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Frontiers in Psychology số ra vừa qua.

Từ những Romeo & Juliet của Shakespearean đến tác phẩm truyện Kiều bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du khiến bao người say mê cho thấy ngôn ngữ điều vô cùng phong phú, phức tạp và kỳ diệu của con người. Sự tiến hóa của ngôn ngữ là chủ đề nghiên cứu còn bỏ ngõ đối với các nhà khoa học. Và với nghiên cứu trên, các nhà khoa học có thể đã giải quyết một phần của vấn đề thông qua việc phát hiện ra nguồn gốc và bản chất của ngôn ngữ.

Shigeru Miyagawa, nhà ngôn ngữ học tại MIT cho biết: "Một trong những bí ẩn lớn nhất trong quá trình tiến hóa của loài người chính là sự tiến hóa của ngôn ngữ. Dường như ngôn ngữ đã xuất phát từ hư vô vào 10.000 năm trước đây. Đây là khả năng đặc biệt nhất của con người mà không có loài động vật nào khác sở hữu. Tuy nhiên, ngôn ngữ của con người không phải tự nhiên mà có. Có một lời giải thích hoàn hảo dựa trên học thuyết của Darwin".

Miyagawa và các đồng nghiệp của ông tại MIT đã đưa ra "giả thuyết kết hợp" nhằm giải thích nguyên nhân khiến ngôn ngữ của con người có thể tiến hóa vượt bậc so với các loài còn lại trên Trái Đất. Khác với toàn bộ các loài động vật khác, ngôn ngữ của con người có thể được dùng để diễn đạt hàm lượng thông tin vô hạn theo ý muốn giao tiếp của con người.

Nguồn gốc của ngôn ngữ


Shigeru Miyagawa, nhà ngôn ngữ học tại MIT đã thực hiện nghiên cứu học thuyết hợp nhất lý giải nguồn gốc của ngôn ngữ loài người​

Trước đây, nhà ngôn ngữ học Noam Chomsky tại MIT đã đề xuất giả thuyết rằng chỉ có 1 quy tắc kiến tạo nên cấu trúc ngôn ngữ mang tên "Merge" (hợp nhất). Theo đó, ngôn ngữ được tạo thành bằng cách kết hợp 2 thành phần vào 1 thể thống nhất. Giả thuyết hợp nhất chỉ ra rằng thế giới động vật bao gồm 2 dạng hệ thống giao tiếp: ý nghĩa và từ vựng. Dựa trên giả thuyết này thì ngôn ngữ con người đại diện cho sự kết hợp của cả 2.

Hệ thống ý nghĩa được tìm thấy ở loài chim biết hót và tương ứng với hệ thống ngữ pháp trong ngôn ngữ của con người Những con chim đực hót lên để thu hút bạn tình hoặc nhằm bảo vệ lãnh thổ của chúng. Dù vậy, các nhà nghiên cứu cho biết "các bài hót" của chúng không hề có ý nghĩa cụ thể nào trong thế giới thực.

Hệ thống từ vựng lại được tìm thấy ở loài khỉ và tương ứng với các từ ngữ trong ngôn ngữ con người. Ví dụ như những con khỉ trán trắng đều sử dụng một âm thanh duy nhất nhằm báo động hoặc đưa ra các cảnh báo nguy hiểm cho đồng loại. Các tiếng kêu này hàm chứa ý nghĩa là "có diều hâu", "có rắn" hoặc "có báo".

Theo các nhà nghiên cứu, chúng ta có thể bắt gặp 1 trong 2 hệ thống trên ở bất cứ loài nào trong thế giới động vật. Tuy nhiên, chỉ có con người mới có khả năng kết hợp 2 hệ thống trên thành 1 thể thống nhất chính là ngôn ngữ của con người. Nếu tách riêng ra, mỗi hệ thống chỉ có thể truyền tải một lượng thông tin hữu hạn. Nhưng nếu được kết hợp lại, tập hợp đó sẽ phát sinh ra lượng thông tin vô hạn mà hệ thống ngôn ngữ của con người có thể truyền đạt.

"Nhưng làm thế nào để 2 hệ thống trên kết hợp được với nhau? Đó thật sự là một câu hỏi lớn". Miyagawa cho biết. Tuy nhiên, một số loài linh trưởng ngoài con người cũng có khả năng kết hợp 2 hệ thống dưới dạng tiềm ẩn. Điển hình như loài vượn đầu bạc có khả năng tạo nên những bài hát dài, phức tạp nhằm bảo vệ lãnh thổ, giao tiếp với bạn tình tiềm năng hoặc các thành viên trong bầy đàn.

Các nhà nghiên cứu tin rằng khả năng diễn đạt ý nghĩa ngôn ngữ còn tồn tại ở một số loài động vật khác, nhưng ở dưới dạng tiềm ẩn. Theo Miyagawa thì đây là một đặc điểm di truyền tô điểm cho quá trình tiến hóa nhưng không được ngoại hiện ra bên ngoài. Cũng chính vì vậy, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu trên một số loài động vật có vú có khả năng diễn đạt nhằm xác định làm cách nào con người có thể kết hợp 2 hệ thống ngữ pháp và ngữ nghĩa lại với nhau.

Các ý kiến xoay quanh giả thuyết - Câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngõ...

Giả thuyết về sự hợp nhất của các nhà nghiên cứu tại MIT đã nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều bởi các chuyên gia khác trong ngành.

Tecumseh Fitch, một nhà sinh học nhận thức tại Đại học Vienna cho rằng: "Đây là một giả thuyết thú vị và phù hợp với phần lớn những gì mà chúng ta biết được về hệ thống truyền tải thông tin của động vật. Nhưng kết luận trên vẫn chưa đề cao được tính chất bất thường của ngôn ngữ con người". Dù vậy, Fitch luôn hy vọng rằng các nhà khoa học sẽ đề xuất được những phương pháp nhằm kiểm chứng giả thuyết trên.

Trên thực tế, chính tác giả của giả thuyết là Miyagawa đã thừa nhận rằng việc tìm kiếm các bằng chứng cụ thể cho sự kiện đã xảy ra trong quá khứ rất xa là một việc làm đầy thách thức. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn khả thi nếu chúng ta kiểm chứng bằng cách so sánh các hệ thống thông tin liên lạc của nhiều loài linh trưởng khác và kết hợp với biện pháp phân tích gene di truyền hiện đại.

Ngoài ra, Fitch cũng không đồng ý với một lập luận khác trong giả thuyết. Ông không tán thành việc so sánh các bài hát của vượn với tiếng hót của chim bởi lẽ, hót là một hành vi tập tính của loài chim và những con vượn cũng hoàn toàn không học những bài hát từ đồng loại của chúng. Tuy nhiên, Miyagawa đã chỉ ra rằng loài linh trưởng sỡ hữu hệ thần kinh có thể kiểm soát được thanh quản và giọng hát của chúng tương tự như con người.

Một học giả khác đã tỏ ra không đồng tình với giả thuyết hợp nhất của các nhà nghiên cứu tại MIT. Jim Hurford, giáo sư danh dự chuyên ngành sự tiến hóa của ngôn ngữ tại Đại học Edinburgh, Scotland cho rằng: "Việc hình thành ngôn ngữ của con người là quá đơn giản. Nó được tạo thành một cách hết sức ngẫu nhiên tương tự như vô tình oxy đã kết hợp với hydro để tạo thành nước vậy. Ngôn ngữ gần như là một phần của đặc tính xã hội và là một quá trình tâm thần tiền thích nghi của loài khỉ xuất hiện vài triệu năm trước khi con người xuất hiện".

Đê đáp lại ý kiến của Giáo sư Hurford, Miyagawa cho rằng: "Sự biến đổi của sinh vật trong quá trình tiến hóa thường là dần dần nhưng đôi khi cũng có thể rất nhanh chóng. Điều này đã được xác nhận dựa trên nghiên cứu về dữ liệu gene di truyền quy định một số đặc điểm giúp con người có thể tiến hóa khác biệt hơn so với các loài khác". Điển hình như khả năng tiêu hóa sữa như một người trưởng thành đã được phát triển từ 10 nghìn năm trước.

Một lời phản đối khác đến từ William Croft, nhà ngôn ngữ học tại Đại học New Mexico: "Học thuyết của Chomskyan vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi và vẫn còn rất nhiều giả thuyết khác về sự hình thành ngôn ngữ. Đây là một vấn đề có mối liên hệ chặt chẽ với đặc tính xã hội và khả năng nhận thức dựa trên ngôn ngữ của con người".

Giả thuyết hợp nhất chủ yếu dựa trên nghiên cứu ngôn ngữ học nhưng về cơ bản, ngôn ngữ lại phát sinh từ quá trình sinh học. Miyagawa tuyên bố rằng ông sẽ tiếp tục nghiên cứu về hoạt động của não trong sự hình thành nên ý nghĩa và từ vựng của ngôn ngữ nhằm làm sáng tỏ học thuyết của ông dưới góc độ rộng hơn. Cuối cùng, nguồn gốc ngôn ngữ loài người vẫn là dấu hỏi lớn còn bỏ ngõ và vẫn phải chờ đợi nhiều nghiên cứu được thực hiện trong tương lai nhằm đưa ra lời giải thích xác đáng cho vấn đề.

Theo Tinh Tế
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video