Ngư dân Thái Lan mới đây bắt được một con cá rất quý hiếm được gọi là 'cá động đất' ở biển Andaman. Theo văn hóa dân gian Nhật Bản, phát hiện cá mái chèo chính là điềm báo của động đất.
Loài cá này là cá mái chèo, hay còn có tên "cá động đất". Cá thường được tìm thấy ở vùng nước có độ sâu 1.000 mét và hiếm khi được con người nhìn thấy trên bề mặt.
Mô hình cá động đất - (Ảnh: SMITHSONIAN MAGAZINE).
Sinh vật biển có vẻ ngoài kỳ lạ này có thể dài tới 11 mét và bị ngư dân Thái Lan bắt được hôm 3-1 ở biển Andaman, trang Wionews đưa tin.
Theo văn hóa dân gian Nhật Bản, nếu bạn từng nhìn thấy một con cá mái chèo ở vùng nước nông, tốt nhất bạn nên chuẩn bị cho một trận động đất hoặc sóng thần.
Việc cá mái chèo được phát hiện - chỉ vài ngày sau khi trận động đất chết người tấn công Nhật Bản vào ngày đầu năm mới - đã ngay lập tức thu hút sự lo sợ của người dân địa phương ở La-ngu, tỉnh Satun, trên bờ biển phía tây nam Thái Lan.
Truyền thông Thái Lan dẫn lời Boomerang, một người dân địa phương, cho biết: “Nếu bắt gặp một con cá mái chèo ở vùng lân cận Satun, điều đó có thể cho thấy mối lo ngại tiềm ẩn về một trận động đất dọc bờ biển Andaman”.
“Và cũng có thể có sóng thần”, người dân này nói thêm.
Giảng viên sinh thái biển Thō̜n Thamrongnāwāsawat của Đại học Kasetsart, Thái Lan, nói: "Cá mái chèo (cá động đất) sống ở vùng biển sâu. Khi nó nổi lên, động đất thường xảy ra”.
Ông Thō̜n Thamrongnāwāsawat cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân bằng cách giải thích những khả năng có thể đưa cá mái chèo đến vùng nước nông, có thể là do nước lạnh từ Ấn Độ Dương tràn vào biển Andaman.
Ông Thamrongnāwāsawat cho biết do hiện tượng thời tiết cực đoan lưỡng cực Ấn Độ Dương, khi nước lạnh tràn vào biển Andaman dẫn đến việc bắt được những loài cá quý hiếm. Lưỡng cực Ấn Độ Dương là sự dao động không đều của nhiệt độ mặt nước biển, trong đó phần phía tây Ấn Độ Dương trở nên ấm hơn, còn phía đông của đại dương này lại trở nên lạnh hơn.
"Trong khi các sự kiện bất thường đang xảy ra trên đại dương, việc hiểu rõ bối cảnh sẽ giúp tránh được những cảnh báo không cần thiết”, ông kết luận.