Người cổ đại có khả năng leo trèo tốt như loài vượn

Một nghiên cứu công bố ngày 25/10 trên tạp chí "Khoa học" (Mỹ) cho thấy hơn 3 triệu năm trước, thủy tổ của loài người đã đứng thẳng và di chuyển trên hai chân trước song vẫn có thể leo trèo linh hoạt như loài vượn.

Để có được kết luận trên, một nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng các xương bả vai vốn thuộc về một hóa thạch xương người cổ đại được khai quật có độ nguyên vẹn đáng ngạc nhiên.

Bộ xương này là của một "bé gái" 3 tuổi được giới khoa học đặt tên là "Selam" thuộc chủng loài Australopithecus afarensis. Chủng loài Australopithecus afarensis được biết đến sau khi giới khoa học tìm được hóa thạch "bà tổ Lucy", người cổ đại đầu tiên được phát hiện và giới thiệu với công chúng vào năm 1974.

Nghiên cứu hóa thạch xương chân của "Lucy", các nhà khoa học xác định thời điểm mà người cổ đại rời khỏi cành cây để bước xuống đất với dáng đi thẳng đứng là hơn 3 triệu năm trước. Tuy nhiên, sau phát hiện "Lucy", các nhà nhân loại học tranh cãi không ít về giai đoạn tiến hóa này. Phải chăng "Lucy" là dấu mốc đánh dấu con người đã hoàn toàn đứng thẳng hay chỉ là bước đầu của một sự tiến hóa từ loài vượn?

"Selam" đã cho một câu trả lời rõ ràng hơn. "Selam" được xác định sống cách đây 3,3 triệu năm. Hóa thạch này được tìm thấy năm 2000 tại khu vực Dikika thuộc Ethiopia, quốc gia châu Phi đầy ắp những dấu tích khảo cổ. Suốt 11 năm sau đó, nhà khoa học Zeresenay Alemseged của Viện Khoa học California (Mỹ) đã hợp tác chặt chẽ với chuyên gia phòng thí nghiệm người Kenya, Christopher Kiariee để tách phần xương bả vai khỏi bộ xương và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Nhà khoa học Alemseged tuyên bố: "Vì xương bả vai mỏng như tờ giấy, chúng hiếm khi hóa thạch. Nếu có đi chăng nữa thì cũng thường bị vỡ vụn. Vì thế tìm được cả hai xương bả vai còn nguyên vẹn trong một bộ xương hóa thạch của một chủng loài quan trọng như Australopithecus afarensis, điều đó chẳng khác gì trúng số độc đắc".

Xương bả vai của "Selam" được Alemseged cùng cộng sự là nhà khoa học David Green của trường Đại học Midwestern so sánh chi tiết với các chủng người tiền sử, với các hóa thạch xương chủng loài Australopithecus afarensis trưởng thành và với cả xương loài vượn, khỉ hiện đại. Từ đó, họ kết luận người cổ đại ngừng hành vi leo trèo muộn hơn nhiều so với thời điểm mà các nghiên cứu trước đó đưa ra.

Nhà khoa học Green nhận xét: "Khi so sánh xương bả vai của "Selam" với các Australopithecus afarensis trưởng thành, rõ ràng là kiểu phát triển phù hợp với loài vượn hơn loài người. Đây thực sự là một giai đoạn quá độ thú vị. Chủng loài này cho thấy họ đi thẳng trên hai chân nhưng chúng tôi cho rằng họ vẫn duy trì sự thích nghi để leo trèo. Họ leo trèo tránh dã thú, tìm kiếm lương thực". Theo Green, vẫn chưa rõ thời điểm nào loài người hoàn toàn từ bỏ việc leo trèo.

Các hóa thạch tổ tiên của người hiện đại (Homo erectus) sống cách đây khoảng 1,9 triệu năm cho thấy bộ xương đã thay đổi quan trọng, dài hơn, cân đối hơn giống như của người hiện đại. Nhưng từ giai đoạn "Lucy" (3,5 triệu năm trước) cho đến tổ tiên của người hiện đại là một quãng trống dài cần được tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa.

Nhà khoa học Alemseged kết luận: "Phát hiện mới giúp hoàn thiện hơn bức tranh về sự tiến hóa của loài người, khẳng định vai trò quan trọng của chủng loài Australopithecus afarensis với những đại diện như Lucy và Selam. Dù chưa hoàn toàn là loài người, rõ ràng Australopithecus afarensis trên con đường tiến hóa đó".

Theo Vietnam+
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video