Người có não tách đôi, linh hồn họ có bị chia làm 2 nửa khác nhau không?

Đáp án của câu hỏi này có thể đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa duy tâm.

Bộ não có lẽ là cỗ máy phức tạp nhất trong vũ trụ. Nó bao gồm hai bán cầu, mỗi bán cầu lại chia thành nhiều mô-đun khác nhau. May mắn thay, tất cả những mô-đun riêng biệt này không hoạt động một cách tự trị. Chúng phải liên kết chặt chẽ với nhau, phối hợp hài hòa để tạo ra và điều khiển một sinh vật duy nhất: bạn.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phá hủy sự hài hòa này? Khi một số mô-đun bắt đầu hoạt động ly khai với phần não còn lại, liệu con người bên trong bạn cũng bị chia tách thành nhiều con người?

Thật thú vị và kỳ lạ, đây không phải là một câu hỏi vu vơ. Đối với một số người, đó là thực tế phải đối mặt. Các bệnh nhân này phải phẫu thuật để cắt rời não trái và não phải. Họ được đặt biệt danh là “người có não tách đôi”.

Còn đối với triết học, nghiên cứu những bệnh nhân này cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu các nhà khoa học chứng minh được khi tách não,linh hồn bên trong họ cũng tách đôi thì vật chất chính là thứ quyết định ý thức. Chủ nghĩa duy vật sẽ chiến thắng và thực ra bên trong chúng ta chẳng có linh hồn nào cả.


Bộ não có lẽ là cỗ máy phức tạp nhất trong vũ trụ.

Những người có bộ não bị tách đôi, "linh hồn" trong họ có chia thành 2 người khác nhau hay không?
Chúng ta đang nói những người “tách não”. Đó là những bệnh nhân bị động kinh dai dẳng và nguy hiểm. Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ thể chai (corpus callosum), con đường nối tín hiệu giữa hai bán cầu não của họ.

Cắt bỏ thể chai có hiệu quả ngăn chặn tín hiệu động kinh không truyền từ bán cầu não này sang nửa còn lại. Nhưng nếu không có hệ thống thể chai, nó cũng đồng nghĩa với việc hai bán cầu não gần như không còn phương tiện nào khác để trao đổi thông tin.

Vậy, điều gì sẽ xảy ra với người bị “tách đôi não”? Khi hai bán cầu não không còn đồng bộ nữa, bạn sẽ vẫn là bạn hay sẽ biến thành hai con người với hành động khác nhau?

Roger Sperry và Michael Gazzaniga, hai nhà thần kinh học đã tiến hành điều tra vấn đề này từ thập niên 1960 và 1970. Họ đã tìm thấy những dữ liệu đáng kinh ngạc cho thấy: khi một người bị chia tách não, con người họ cũng sẽ chia thành nhiều phần.

Sperry đã giành được giải Nobel về Y khoa cho công trình của mình vào năm 1981.

Nhưng làm thế nào mà các nhà nghiên cứu chứng minh được việc tách não đã tạo ra hai người khác nhau, mỗi người được một bán cầu não điều khiển? Họ đã tiến hành một thử nghiệm thông minh để nhìn vào dòng chảy của tín hiệu thị giác vào não bộ.


Khi cắt bỏ thể chai (corpus callosum), hai bán cầu não sẽ mất liên lạc với nhau.

Chúng ta biết rằng cả hai mắt đều gửi thông tin thị giác về các bán cầu não. Nhưng dòng chảy thông tin là khá phức tạp, Khi bạn nhìn vào một điểm thì mọi thứ ở bên trái của điểm đó (trường thị giác bên trái) được xử lý bởi bán cầu phải. Và ngược lại, tất cả mọi thứ ở bên phải của điểm (trường thị giác bên phải) được xử lý bởi bán cầu trái.

Ngoài ra, bán cầu trái kiểm soát phía cơ thể bên phải (chân phải, tay phải…) và đầu ra ngôn ngữ. Trong khi, bán cầu não phải kiểm soát cơ thể bên trái (chân trái, tay trái…) và không thể điều khiển chúng ta nói.

Trong thí nghiệm của mình, khi Sperry và Gazzaniga đưa một hình ảnh về phía trường nhìn bên phải của một bệnh nhân bị “tách não”, mọi chuyện xảy ra một cách bình thường. Ông ta nói rằng mình nhìn thấy các hình ảnh này. Nghĩa là bán cầu não trái nhìn thấy hình ảnh và nó nói rằng nó nhìn thấy hình ảnh.

Giờ thí nghiệm được lặp lại với bán cầu não phải, bán cầu não không thể nói vì nó không kiểm soát ngôn ngữ. Các nhà khoa học đưa hình ảnh về phía trường nhìn bên trái của người bị “tách não”, bệnh nhân cho biết ông không thấy gì cả.

Tuy nhiên, cùng lúc tay trái của ông ta lại vẽ hình ảnh được hiển thị. Khi được hỏi tại sao bàn tay trái của ông lại làm như vậy, bệnh nhân có vẻ bối rối, và trả lời rằng ông cũng không biết.

Điều gì đã xảy ra ở đây? Bán cầu trái không thể nhìn thấy trường thị giác bên trái, do vậy, khi kích thích xuất hiện ở đó, nó đã trả lời hai nhà khoa học rằng nó không thấy gì cả.

Tuy nhiên, bán cầu phải thì lại nhìn thấy hình ảnh kích thích. Có điều nó không thể nói. Vậy là nó đã tìm cách chỉ đạo bàn tay vẽ ra hình ảnh để trả lời câu hỏi của 2 nhà khoa học mà nó nghe được.

Đến đây, Sperry và Gazzaniga kết luận rõ ràng: Một bệnh nhân bị “tách não” nên được xem như là hai bệnh nhân có nửa não thì hơn. Sperry lập luận rằng điều này đã vượt ra ngoài một câu trả lời cho một thắc mắc. Nó đã chứng minh được chủ nghĩa duy vật trong lĩnh vực ý thức. Nếu chúng ta chia được một người thành hai người khi “tách” não anh ta, chẳng có chỗ nào cho một linh hồn của chủ nghĩa duy tâm tồn tại nữa.


Mô tả thí nghiệm với người bị "tách não".

Vậy câu hỏi đã được trả lời xong? Chưa hẳn. Chúng ta phải thừa nhận rằng những bệnh nhân bị “tách não” vẫn cảm nhận thế giới xung quanh và cư xử hết sức bình thường. Nếu một bệnh nhân “tách não” bước vào phòng ngay lúc này, bạn sẽ không nhận thấy bất cứ điều gì bất thường ở họ.

Bản thân những bệnh nhân này cũng khẳng định rằng chẳng có con người nào khác tách ra bên trong mình, ngoại trừ những cơn động kinh khó chịu đã biến mất. Vậy nếu khoa học nói những con người nãy đã bị phân thành hai nửa, có điều gì đó không đúng.

Để làm sáng tỏ vấn đề, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Amsterdam đã tìm hai bệnh nhân “tách não” và mời họ tham gia vào một thí nghiệm. Mục đích thí nghiệm này là đánh giá xem liệu họ có thể phản ứng chính xác đối với các vật thể trong trường thị giác bên trái (được thu nhận bởi não phải ), trong khi cũng phản ứng lại bằng lời nói hoặc bằng tay phải (điều khiển bởi não trái) hay không.

Kết quả đáng ngạc nhiên ở hai bệnh nhân này, nhóm nghiên cứu đã quan sát được một hiện tượng hoàn toàn khác biệt so với Sperry và Gazzaniga. Cả hai bệnh nhân thể hiện nhận thức đầy đủ về sự hiện diện và vị trí của các kích thích trên toàn bộ trường thị giác - phải và trái.

Khi kích thích xuất hiện trong trường thị giác bên trái, họ hầu như không bao giờ nói (hoặc diễn tả bằng tay) rằng họ không thấy gì cả. Thay vào đó, hai bệnh nhân đều chỉ ra chính xác rằng có điều gì đó đã xuất hiện và ở chúng ở vị trí nào.

Mặc dù vậy, hai bệnh nhân “tách não” trong nghiên cứu của Đại học Amsterdam cũng không hoàn toàn bình thường. Họ không thể so sánh các kích thích ở giữa của trường thị giác.

Hơn nữa, khi một kích thích xuất hiện trong trường thị giác bên trái, bệnh nhân mô tả lại được thuộc tính của hình ảnh tốt hơn (cả bằng lời nói và bằng cử chỉ tay phải). Còn khi một kích thích xuất hiện trong trường thị giác bên phải, bệnh nhân đoán vị trí của nó tốt hơn (bằng cả lời nói và cử chỉ tay trái).


Làm thế nào để một bộ não, bao gồm rất nhiều mô-đun, chỉ tạo ra một con người?

Dựa trên những phát hiện này, các nhà khoa học đã đề xuất một mô hình mới của hội chứng phân chia não. Khi bạn chia tách bộ não, bạn vẫn sẽ chỉ có một con người bên trong mình. Tuy nhiên, người này trải nghiệm hai dòng thông tin thị giác, cho mỗi trường nhìn bên trái và phải.

Bệnh nhân “tách não” không thể tích hợp cả hai trường nhìn lại với nhau. Nó giống như khi bạn xem một thước phim lỗi, trong đó tiếng và hình không khớp nhau.

Và cuối cùng, trong khi thí nghiệm trước đây của Sperry và Gazzaniga chỉ ra bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa duy vật (rằng khi chúng ta chia tách não, con người bên trong cũng sẽ bị chia nửa), những kết quả mới đang ủng hộ sự màu nhiệm của ý thức.

Khi chia não thành hai nửa, bạn vẫn chỉ có một con người. Làm thế nào để một bộ não, bao gồm rất nhiều mô-đun, chỉ tạo ra một con người? Và các phần của não bộ đã đồng bộ như thế nào khi chúng bị cắt đứt con đường giao tiếp với nhau? Tất cả vẫn là điều bí ẩn cần được khám phá.

Cập nhật: 13/11/2017 Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video