Người dẫn thế giới đến với bí ẩn dưới đáy biển sâu

Jacques Cousteau là nhà hải dương học và là nhà thám hiểm dưới đáy biển nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, với những phát minh tiên phong có tính cách mạng về lặn biển và đưa thế giới của những đại dương sâu nhất tới phòng khách của mọi người. Ông được mệnh danh là “Người hướng dẫn thế giới về những bí ẩn dưới đáy sâu”.

Nhân loại biết đến Jacques Cousteau qua biệt danh thuyền trưởng Jacques Cousteau, người thường xuất hiện trong nhiều phim tài liệu kỳ thú về thế giới dưới lòng đại dương. Dường như ông được sinh ra với sứ mệnh làm cho các dân cư trên hành tinh này hiểu được thế giới đại dương và yêu mến tất cả những gì thuộc về hai phần ba bề mặt trái đất.

Tiếng gọi của đại dương

Jacques Cousteau sinh ngày 11/6/1910, ở tây nam nước Pháp. Thời niên thiếu, Jacques là một cậu bé rất năng động và thích bơi lặn. Cậu thường cùng nhóm bạn lặn tự do ở biển Địa Trung hải. Cũng từ đó mà tìm hiểu về đại dương đã trở thành niềm đam mê của cậu.

Với mong muốn có thể khám phá dưới nước lâu hơn và tự do hơn, năm 1943, ông cùng kỹ sư Emile Gagnan thiết kế bình khí nén dành cho thợ lặn hay còn gọi là scuba. Thiết bị này đã góp một phần giúp nhân loại khám phá thế giới nước.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Cousteau cùng sỹ quan hải quân Philippe Tailliez và thợ lặn Frederic Duma trở thành “3 chàng ngự lâm của biển cả” khi cùng nhau thực hiện các thí nghiệm lặn ở biển và trong phòng thí nghiệm. Năm 1950, con tàu Calypso được trang bị các công cụ để lặn và nghiên cứu khoa học để bắt đầu cuộc phiêu lưu vĩ đại khám phá đại dương và sông ngòi trên thế giới.


Ngày 25/6/1997, Jacques Cousteau đã qua đời tại Pháp, hưởng thọ 87 tuổi.

Chính qua các cuộc phiêu lưu kỳ thú này, Jacques cùng nhóm nghiên cứu của mình còn muốn thử nghiệm xem khả năng của con người có thể sống và làm việc ở dưới nước được trong thời gian là bao lâu.

Từ ý tưởng đó, trong 4 năm từ 1962-1965, Jacques đã cùng với các cộng sự của mình thực hiện thành công dự án Conshelf trong 3 giai đoạn. Với dự án này, một phòng thí nghiệm dưới nước có mọi tiện nghi cần thiết đã được triển khai.

Năm 1962, Conshelf I đã lần đầu tiên chứng minh được rằng, ở độ sâu 10 mét, con người có khả năng sống trong 1 tuần. Conshelf II đã khẳng định rằng, ở độ sâu dưới 15 mét, chúng ta có thể triển khai nhiều hoạt động trong thời gian 3 tuần.

Năm 1965, Conshelf III đã nâng lên một bước cao hơn nhiều khi sáu nhà du hành đại dương đã sống và làm việc tại một mô hình giếng dầu ở độ sâu 100 mét, đặt tại biển Địa Trung Hải, gần Nice, nước Pháp, trong vòng gần một tháng.

Thành công của dự án Conshelf của Jacques đã khẳng định con người có thể sống và làm việc được trong một khoảng thời gian dưới đáy đại dương.

Suốt cuộc đời mình, Jacques luôn dành tình yêu cho biển và những chuyến thám hiểm đại dương kỳ thú. Jacques còn là người đầu tiên triển khai người lặn được trang bị camera để tiếp tục khám phá những tài nguyên thiên nhiên của đại dương. Những bộ phim quay được dưới nước của ông đã tạo ra các chương trình truyền hình đặc sắc mang tới cho tới hàng triệu người xem quang cảnh môi trường biển dưới đáy sâu trong lòng đại dương.


Jacques Cousteau và chiếc tàu ngầm
 "Diving saucer" do ông chế tạo.

Sự công nhận

Thông qua hơn 120 bộ phim truyền hình và 50 đầu sách, thuyền trưởng Cousteau đã mở ra cánh cửa của các đại dương cho hàng triệu người trên thế giới. Với những cống hiến của mình, thuyền trưởng Cousteau được nhận nhiều giải thưởng như: Giải thưởng Môi trường quốc tế, giải thưởng của Hội Địa lý quốc gia Hoa kỳ. Ông là viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Pháp và Viện hàn lâm khoa học Mỹ.

Di sản

Nhận thức được sự cần thiết phải có tổ chức để bảo vệ hành tinh, năm 1974, thuyền trưởng Cousteau đã thành lập Hiệp hội Cousteu, có trụ sở tại Mỹ. Sau đó vào năm 1981, quỹ Foundation Cousteau (sau này là Equip Cousteu) ra đời ở Pháp. Trên cơ sở này, ông đã phát động những chiến dịch kiến nghị bảo vệ Nam cực khỏi các hoạt động khai khoáng. Nỗ lực của ông đã thành công: Lục địa sơ khai này đang được bảo vệ, ít nhất là trong vòng 50 năm. Bằng chứng vế tầm ảnh hưởng quốc tế của ông là năm 1992 ông được mời tham dự chính thức hội nghị của Liên hợp quốc về Phát triển và Môi trường tại Rio de Janeiro.

Thông qua những công việc của mình, Jacques Cousteau đã giới thiệu đến công chúng tầm quan trọng của đại dương trong việc mang lại sự cân bằng về khí hậu, sinh quyển và hệ sinh thái cho cả hành tinh.

Theo Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video