Nguy cơ bệnh cúm bùng phát

PGS.TS Phạm Ngọc Đính- Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ cho biết, tháng 3 đến tháng 4 là thời điểm dễ bùng phát hội chứng cúm thông thường (cúm A/H3N2, A/H1N1, cúm B) do thời tiết chuyển mùa tạo điều kiện cho virus phát triển.

Kết quả khảo sát của dự án giám sát trọng điểm bệnh cúm tại 12 điểm trên cả nước cho thấy những tháng đầu năm 2007, cúm A/H3N2 đang có dấu hiệu phát triển mạnh thay thế cúm A/H1N1 đang có chiều hướng giảm dần.

Hiện nay mỗi tuần, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư xét nghiệm khoảng 20 mẫu bệnh phẩm nghi ngờ nhiễm virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, không có mẫu bệnh phẩm nào nhiễm virus cúm gia cầm. Được biết hiện nay Việt Nam mới giám sát được tình hình mắc hội chứng cúm (triệu chứng giống bệnh cúm) chứ chưa giám sát được bệnh cúm.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Saint Pault) từ trước Tết đến thời điểm này luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhi mắc bệnh gây ra bởi thời tiết. Bác sĩ Nguyễn Minh Thu – Trưởng khoa cho biết, trong số 350-450 bệnh nhân trẻ em đến khám mỗi ngày, có tới 60% mắc các bệnh liên quan đến viêm đường hô hấp, với triệu chứng như bệnh cúm thông thường.

Chị Mai (cán bộ Ngân hàng Ngoại thương) đưa con gái 3 tuổi bị sốt, ho, sổ mũi, bỏ ăn từ 3 ngày nay đi khám. Chị tự điều trị cho bé tại nhà nhưng không đỡ, bé vẫn sốt phải đưa tới bệnh viện.

Trẻ em nhiễm cúm rất dễ bị biến chứng
(Ảnh minh họa: Tienphong)

Bác sĩ Thu cho biết những trẻ bị hội chứng cúm thông thường nếu không điều trị kịp thời sẽ dễ bị biến chứng sang viêm phế quản phổi. Lúc đó nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Nhiều bệnh nhi cũng rơi vào thể bệnh cúm nặng khi sốt cao kéo dài nhiều ngày, liên tục phải dùng thuốc hạ thân nhiệt. Thậm chí, có những cháu bé phải truyền dịch liên tục để hạ nhiệt. Có trẻ do gia đình chủ quan để trẻ sốt cao dẫn tới co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh.

TS Đính cho biết triệu chứng của bệnh cúm thường không khác biệt dù bệnh nhân có thể nhiễm những týp virus cúm khác nhau. Triệu chứng thông thường nhất của cúm là: ho, sốt, sổ mũi, đau họng, nhức đầu và mệt mỏi. Người lớn khỏe mạnh thường hồi phục sau 1 đến 2 tuần.

Cúm là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính gây sốt cao, thời gian ủ bệnh thường là 1 đến 5 ngày trước khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Giai đoạn đầu của cúm, các triệu chứng toàn thân chiếm ưu thế như sốt, lạnh run, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, ăn không ngon và kéo dài khoảng 3 ngày. Khi bệnh tiến triển các triệu chứng hô hấp sẽ xuất hiện như ho khan, sổ mũi, đau họng. Sốt là triệu chứng quan trọng, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40-41 độ C, sốt thường kéo dài khoảng 3 ngày đầu, nhưng có thể đến 4-8 ngày.

Bệnh nhân thường hồi phục nhanh, nhưng các triệu chứng mệt mỏi có thể kéo dài trong nhiều ngày hoặc đôi khi nhiều tuần, vài bệnh nhân có thể bị các biến chứng nặng. Các biến chứng thông thường bao gồm bị mất nước, viêm phổi, và các bệnh mãn tính khác bị nặng thêm.

Đề phòng biến chứng sang viêm phổi

Theo TS Đính viêm phổi cấp tính do virus là một dạng rất nặng của cúm. Triệu chứng khởi đầu giống như cúm thông thường nhưng tiến triển nhanh trong vòng 3 ngày bệnh nhân sẽ bị sốt cao, ho, khó thở và tím tái. Phù phổi do suy tim và các biểu hiện thần kinh và thận khác. Tỉ lệ tử vong cao và diễn tiến nhanh. Kháng sinh không có hiệu quả chống lại virus.

Bệnh cúm có thể lây nhiễm cho mọi người trên toàn thế giới bất kể tuổi tác, chủng tộc. Các trận dịch cúm có thể lây truyền từ nơi khởi phát sang các khu vực khác chỉ trong vòng vài tháng.

Tốc độ lây truyền ngày càng cao khi đã có các phương tiện di chuyển nhanh liên lục địa. Khí hậu ẩm ướt, lạnh lẽo, phương tiện di chuyển công cộng đông đúc và không thoáng khí là những điều kiện tốt khởi phát các trận dịch cúm.

Phòng bệnh thế nào?

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh cúm. TS Đính cho biết có thể dùng thuốc amantadin hoặc rimantadin trong vòng 48 giờ sau khi mắc bệnh cúm A, dùng từ 3-5 ngày sẽ làm giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.

Liều lượng 5mg/ngày chia 2 lần đối với trẻ từ 1-9 tuổi; 100mg/2lần/ngày với trẻ trên 9 tuổi (nếu nặng dưới 45 kg thì dùng 5mg/kg/ngày chia 2 lần trong 2-5 ngày), nên giảm liều với người già trên 65 tuổi.

Tiêm ngừa vaccine cúm là cần thiết cho tất cả những ai có nhu cầu tự bảo vệ mình trong mùa lạnh.Tuy nhiên, một số nhóm người được khuyến cáo phải tiêm ngừa cúm do có nguy cơ cao nhiễm cúm và mắc các biến chứng do bệnh cúm. Đó là người già, trẻ em, người có bệnh mãn tính: bệnh lý tim mạch hô hấp, hen phế quản, bệnh lý chuyển hóa …

TS Phạm Ngọc Đính cho biết hàng năm, các nhà y học dự phòng và truyền nhiễm trên thế giới có những tổng kết quan trọng để đánh giá xem virus cúm nào là chủ yếu trong mùa bệnh sắp tới, qua đó các nhà sản xuất vaccine sẽ đưa ra những loại vaccine cúm phù hợp. Việc phòng bệnh cúm bằng vaccine thật sự là một kết quả mong đợi đối với nhiều người, nhất là phụ nữ chuẩn bị mang thai, người già, người mắc bệnh mạn tính và trẻ em.

Các bác sĩ khuyến cáo, ngoài việc phòng bệnh bằng vaccine, mọi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh như luôn mặc ấm, ngủ đủ giấc, ăn đủ chất dinh dưỡng và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh. Bên cạnh đó dự phòng bệnh cúm bằng hydrochlorid amantadin hoặc hydrochlorid rimantadin có tác dụng với cúm A.

Thái Hà

Theo Tiền phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video