Nguy cơ từ 14.000 giếng dầu khí cũ chưa bịt

Các giếng không hoạt động, ước tính cần 30 tỷ USD để bịt kín, có thể thải ra khí methane, dầu hoặc chất khác gây ô nhiễm môi trường.

Khi các giếng dầu khí không còn được sử dụng, nhà vận hành phải đóng kín chúng để tránh rò rỉ. Tuy nhiên, khoảng 14.000 giếng không hoạt động ở vùng biển của Mỹ thuộc vịnh Mexico vẫn chưa bịt lại, Smithsonian hôm 16/5 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature Energy.


Một giếng khai thác ở vịnh Mexico, ngoài khơi bờ biển bang Louisiana. (Ảnh: Louisiana Bettmann).

Nhóm nghiên cứu ước tính, việc bịt tất cả số giếng này, thường dùng xi măng, có thể tiêu tốn tới 30 tỷ USD. Trong lúc chưa xử lý, chúng có thể gây hại cho môi trường.

Các giếng đã dừng hoạt động nhưng chưa đóng kín có thể thải ra khí methane, dầu hoặc chất gây ô nhiễm khác. Những thứ này không tốt cho hệ sinh thái hay sức khỏe con người nếu tràn ra với số lượng lớn, theo nhà kinh tế năng lượng Mark Agerton tại Đại học California Davis, đồng tác giả nghiên cứu. "Chúng ta không muốn những thứ đó có trong nước uống, thức ăn hoặc trên mặt đất, ngay cạnh chúng ta", ông nói.

Nhóm chuyên gia đã nghiên cứu dữ liệu về 82.000 giếng dầu khí ở vịnh Mexico từ Cơ quan An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ (BSEE) cũng như các cơ sở dữ liệu. Họ phát hiện lượng lớn giếng không hoạt động ở vùng biển ngoài khơi, vùng nước nội địa và vùng đất ngập nước.

David Pettit, luật sư của tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC), cho rằng khó có khả năng toàn bộ số giếng ngừng hoạt động này sẽ được bịt kín do vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, tập trung vào những giếng ở vùng nước nông có thể là một cách hiệu quả để hạn chế rủi ro. Họ phát hiện rằng 90% số giếng không hoạt động nằm ở vùng nước nông và việc bịt kín chúng sẽ chỉ tốn 1/4 tổng chi phí ước tính.

Giếng ở vùng nước nông cũng cần được ưu tiên vì chúng gây rủi ro lớn hơn cho môi trường. Ô nhiễm gần bờ có thể phá hủy các hệ sinh thái ven biển dễ dàng hơn. Methane rò rỉ từ các giếng ở vùng nước nông cũng có thể dễ dàng vươn lên bề mặt và đi vào khí quyển, theo chuyên gia năng lượng Gregory Upton tại Đại học Bang Louisiana, đồng tác giả nghiên cứu.

Tuy nhiên, nếu Mỹ tiếp tục chuyển hướng và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, chi phí khổng lồ cho việc bịt tất cả giếng dầu khí không sử dụng ở vịnh Mexico sẽ tăng thêm. Nhóm chuyên gia hy vọng, nghiên cứu mới sẽ cung cấp thông tin giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến chi phí bịt giếng.

Cập nhật: 18/05/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video