Nguyên mẫu máy bay siêu thanh Trung Quốc đạt tốc độ Mach 6

Các nhà khoa học Trung Quốc phóng máy bay siêu thanh với phần thân đặc biệt đồ sộ, đạt tốc độ đủ để di chuyển giữa Bắc Kinh và New York trong hai giờ.

Trong chuyến bay thử nghiệm được công bố lần đầu tiên, nguyên mẫu cỡ nhỏ của máy bay đạt tốc độ tối đa Mach 6,56 (8.100km/h). Thử nghiệm giúp kiểm tra sơ bộ thiết kế từng được cho là bất khả thi khi công bố cách đây 6 năm.


Mẫu máy bay siêu thanh mới của Trung Quốc có phần thân to bè và cánh xòe rộng trên lưng như áo choàng. (Ảnh: Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc).

"Ở thời điểm đó, mọi người đều cho rằng đây là ý tưởng điên rồ. Chúng tôi đối mặt với nhiều hoài nghi", Cui Kai, nhà nghiên cứu phụ trách dự án ở Viện cơ khí thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, kể lại.

Mẫu máy bay mới đánh dấu thay đổi lớn so với những phương tiện siêu thanh thuôn dài ra đời trước đó. Nó có phần thân to bè và cánh giống áo choàng trên lưng. Điều này có nghĩa trong tương lai, máy bay siêu thanh có thể chở nhiều hành khách hoặc hàng hóa như máy bay phản lực thân rộng.

Sau một thập kỷ phát triển, nhóm của Cui xin cấp phép thành công để bay thử nghiệm phương tiện ở Trung tâm phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi phía tây bắc Trung Quốc vào tháng 8/2021. Chuyến bay thử kéo dài gần 20 phút giải quyết thách thức tồn tại từ lâu đối với các nhà thiết kế máy bay: khi tốc độ bay tăng lên, không gian có thể sử dụng bên trong cabin giảm đi. Đó là lý do một người lớn dễ bị cụng đầu khi đứng bên trong máy bay chở khách siêu thanh Concorde.

Tất cả máy bay siêu thanh hiện nay có thể bay ở tốc độ trên Mach 5 (6.174 km/h) có không gian bên trong cực kỳ hạn chế, dẫn đến khả năng sử dụng bị giới hạn ở ứng dụng quân sự như tên lửa và máy bay trinh thám không người lái. Ở tốc độ cao, phần trước của bộ khung phải chịu áp suất hướng xuống lớn, ảnh hưởng tới khả năng bay lên cao của phương tiện.

Cui thêm bề mặt cánh rộng phía trên khung máy bay để biến đổi áp suất hướng xuống thành lực nâng hướng lên, chuyển bất lợi thành lợi thế một cách hiệu quả. Tuy nhiên, đó là thiết kế phức tạp chưa từng có. Sau khi giới thiệu ý tưởng vào năm 2018, nhóm của Cui tiếp tục tinh chỉnh thiết kế và tăng cường tiến hành thử nghiệm trong đường hầm gió. Mỗi thử nghiệm có chi phí hàng trăm nghìn USD. Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm trên mặt đất vài lần để kiểm tra tính khả thi của nhiều mô hình, mở đường cho chuyến bay thử thành công.

Do độ nhạy cảm của dự án, chuyến bay thử nghiệm được giữ bí mật suốt 3 năm. Cui không tiết lộ tình trạng chế tạo máy bay kích thước thật hoặc lịch trình dự kiến của chuyến bay đầu tiên. Tuy nhiên, nỗ lực của họ có thể cách mạng hóa giao thông hàng không.

Cập nhật: 13/12/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video