Nguyên nhân của đám cháy và cách sinh tồn dưới góc độ khoa học

Mạng sống của nạn nhân trong các tai nạn cháy thường chỉ tính bằng phút. Trong nhiều trường hợp, họ sẽ phải tự đối phó trước khi có bất kỳ một đơn vị cứu hộ nào kịp tới hiện trường.

Sự hình thành của đám cháy

Cháy là hiệu ứng nhìn thấy được của quá trình cháy, tồn tại dưới dạng một loại phản ứng hóa học đặc biệt giữa oxy trong không khí và một số loại chất đóng vai trò làm "nhiên liệu".

Điều kiện đầu tiên của một đám cháy đó là nhiên liệu phải được đốt nóng đến nhiệt độ bốc cháy để quá trình cháy xảy ra. Nhiên liệu có thể là chất rắn, chất lỏng hoặc chất khí.

Trong quá trình phản ứng hóa học tạo ra lửa, nhiên liệu được đốt nóng đến mức giải phóng ra các khí ra khỏi bề mặt.


Tam giác lửa, với sự tham gia của nhiệt, nhiên liệu và oxy. (Ảnh: Torklaw).

Khi đó, sự cháy được hình thành cũng đồng thời giải phóng nhiệt năng. Quá trình đốt cháy có thể chậm hoặc nhanh tùy thuộc vào lượng oxy có sẵn. Nhưng thông thường, quá trình cháy tạo ra ngọn lửa rất nhanh, liên tục.

Điều nguy hiểm của một đám cháy đó là chúng sẽ không ngừng, miễn là có đủ nhiệt, nhiên liệu và oxy. Ba yếu tố này hình thành nên một "tam giác lửa". Do 3 yếu tố trên là không thể tách rời, nên việc loại bỏ bất kỳ một trong các yếu tố cũng có thể ngăn chặn hoặc dập tắt hoàn toàn đám cháy.

Một phương pháp dễ bắt gặp đó là dùng nước để tưới vào đám cháy. Trong một số trường hợp, nước đóng vai trò hấp thụ nhiệt và dập tắt các đám cháy từ gỗ hoặc giấy.

Đối với các đám cháy nhỏ, chúng ta cũng có thể dễ dàng xử lý bằng cách phủ lên trên một chiếc chăn kín. Nhờ đó, oxy được loại bỏ khỏi quá trình cháy, khiến chúng tắt dần.

Thứ gì giết chết nạn nhân?


Bỏng lửa và ngạt khí là nguyên nhân chính dẫn tới tử vong cho các nạn nhân.

Trong các đám cháy lớn, thông thường có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tử vong cho các nạn nhân. Đó là bỏng lửa và ngạt khí.

Nhóm nguyên nhân đầu tiên đến từ chấn thương do bỏng. Những vết bỏng này không chỉ do lửa tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người, mà còn xảy ra dưới dạng bỏng đường hô hấp, khi nạn nhân hít phải hơi nóng vào phổi.

Nhóm thứ 2 phổ biến hơn rất nhiều, đó là tử vong do ngạt khí hoặc nhiễm độc. Theo Science Direct, các đám cháy hút hết oxy, và bao phủ không gian bằng khí carbon dioxide (CO2). Điều này khiến các nạn nhân rơi vào trạng thái ngạt hơi, dẫn đến rối loạn tri giác, mất định hướng, thậm chí bất tỉnh.

Đồng thời, khi các khí độc tác động trực tiếp sẽ khiến cơ thể suy sụp và tử vong nhanh chóng tại chỗ. Điều đáng sợ là quá trình ngạt khí này diễn ra rất nhanh, thông thường chỉ vài phút khi cơ thể không tiếp cận được nguồn oxy đầy đủ.

Làm thế nào để sống sót trong các vụ cháy?

Mạng sống của nạn nhân trong các tai nạn cháy thường chỉ tính bằng phút. Trong nhiều trường hợp, họ sẽ phải tự đối phó trước khi có bất kỳ một đơn vị cứu hộ nào kịp tới hiện trường.

Do đó, việc tự ý thức mối nguy hiểm và đưa ra những phương án đối phó được xem là yếu tố quyết định giữa ranh giới sinh - tử. Ngay cả trong tình huống nguy cấp, cũng nên giữ bình tĩnh, đánh giá các lựa chọn và đừng quên cảnh báo những người xung quanh.


Mạng sống của nạn nhân trong các tai nạn cháy thường chỉ tính bằng phút.

Điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể áp dụng, đó là sử dụng những vật dụng quen thuộc như khăn, các mảnh vải, hoặc có thể là chính quần áo thấm ướt đặt lên mũi. Các phân tử nước và lớp vải sẽ giúp cản bớt khí độc tác động tới cơ thể, đồng thời giúp chống bỏng đường hô hấp.

Bên cạnh đó, nạn nhân cũng nên cố gắng tìm những nguồn không khí "sạch", có nghĩa là nên cúi thật thấp người (do khí độc có xu hướng bốc lên cao), cố gắng chạy ngược lại với nơi xảy ra cháy, hoặc đến lối thoát nạn an toàn.

Tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh, hoặc sử dụng thang máy vì nguy cơ bị mắc kẹt là rất cao.

Trong trường hợp tình trạng cháy chưa nguy hiểm, bùng phát rộng, bạn có thể thử những biện pháp chữa cháy cơ bản, như dùng bình chữa cháy, nước, tấm chăn... Ngoài ra, cần lưu ý di chuyển những vật dụng dễ bắt lửa ra xa, và đóng các cửa trên đường di chuyển để hạn chế đám cháy lan rộng.

Nếu không thể thoát ra khỏi đám cháy ở nhà cao tầng, hãy nhanh chóng di chuyển tới những vùng thoáng, dễ thấy như sân thượng, ban công. Việc này sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng ngạt khói và nhanh được cứu hộ hơn.

Cập nhật: 12/09/2022 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video