Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc chế tạo khẩu trang làm mát phổi

Khẩu trang có màng lọc diệt virus và kết nối với thiết bị lọc khí, không gây khó thở, thuận tiện cho hoạt động trao đổi khí diễn ra trong phổi.

Trong một lần nghe thông tin về trường hợp cậu bé 15 tuổi ở Vũ Hán (Trung Quốc) tử vong vì đeo khẩu trang N95 lúc chạy, ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Tập đoàn Metran, Nhật Bản (73 tuổi) cảm thấy sốc. Là tác giả của máy hô hấp nhân tạo tần số cao Hummingbird, máy thở MV20 nên sau khi đọc tin này, ông suy nghĩ tìm giải pháp khắc phục vấn đề khó thở khi đeo khẩu trang.

Tháng 2 năm 2020, ông bắt tay nghiên cứu và chế tạo khẩu trang giải quyết ba bài toán thoáng khí, lọc khuẩn và diệt virus. Sau hơn một năm, sản phẩm được hoàn thiện.


Khẩu trang được cấp luồng khí sạch tạo điều kiện cho quá trình trao đổi khí của phổi. (Ảnh: NVCC).

Khác với sản phẩm bằng vải hoặc dùng một lần, khẩu trang được làm bằng tấm nhựa y tế trong suốt chống mờ, không thẩm thấu để ngăn các giọt bắn từ miệng đọng lại và thoát ra ngoài.

Để cung cấp nguồn khí sạch cho người dùng trong vùng có nguy cơ lây nhiễm kể cả khi đeo khẩu trang, ông Phúc và cộng sự chế tạo thêm thiết bị lọc đi kèm nhỏ bằng bàn tay, được nối với khoang khẩu trang bằng một ống dẫn khí dài hơn 1 m. Áp dụng cơ chế áp lực dương, lượng khí sạch được đưa trực tiếp lên khoang khẩu trang, tạo môi trường thông thoáng, hỗ trợ hoạt động trao đổi khí của các tế bào phổi.

Bên trong thiết bị có màng lọc chống bụi mịn PM 2.5, phấn hoa gây dị ứng và virus kích thước 0,12 micromet. Thay vì sử dụng tia UV, bộ lọc tích hợp đèn xúc tác quang học giúp tăng khả năng diệt virus. Khi ánh sáng chiếu vào màng lọc sẽ sinh ra một chất OH radical có chức năng hút oxy của virus ở màng lọc, tiêu diệt virus trong vài mili giây.

"Việc sử dụng tia UV khử khuẩn, diệt virus trong trường hợp này có thể gây hại cho phổi vì thời gian để tiêu diệt virus cần tới trên 10 giây", ông Phúc nói và cho biết, bộ lọc trong tương lai được bổ sung cảm biến đo áp lực và mức độ ô nhiễm không khí, cung cấp người dùng bằng kết nối không dây với điện thoại.


Hai phiên bản khác của sản phẩm khẩu trang. (Ảnh: NVCC).

Ông Trần Ngọc Phúc phát triển ba phiên bản dùng cho hoạt động sinh hoạt hàng ngày, vùng dịch bệnh và môi trường nhiều khí độc (nhà máy, hầm than), phù hợp với mọi lứa tuổi trong từng điều kiện môi trường khác nhau.

Khẩu trang dùng trong vùng dịch và môi trường khí độc được tích hợp thêm màng lọc hoặc màng chắn zeolite tăng cường bảo vệ khỏi những tác nhân gây bệnh.

Sau quá trình thử nghiệm và đạt yêu cầu đưa ra thị trường, ông cho biết, ba phiên bản này dự kiến được ra mắt vào giữa tháng 8.

Ở tuổi 73, ông Phúc vẫn miệt mài nghiên cứu, phát triển những sản phẩm khoa học mới có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống. "Sau khi làm xong một cái máy, tôi chỉ vui trong vòng 10 giây, sau đó để nhân viên chế tạo các sản phẩm khác, tôi bắt đầu tìm kiếm những đề tài mới để làm", ông chia sẻ.

Trước sản phẩm khẩu trang này, máy hô hấp nhân tạo tần số cao, là phát minh của ông, được sử dụng tại 90% bệnh viện, phòng điều trị cho trẻ sơ sinh ở Nhật. Sản phẩm này đã duy trì sự sống cho trẻ sinh non, giúp trẻ phát triển khỏe mạnh và không có di chứng.


Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc vẫn miệt mài tìm những sáng chế ứng dụng cao. (Ảnh: NVCC).

Khi mỗi sáng chế được hoàn thiện, ông luôn sẵn sàng chia sẻ, chuyển giao công nghệ với mong muốn nhiều người sẽ được hưởng lợi từ sáng chế đó. Hơn 50 năm làm việc và nghiên cứu ở Nhật, ông Phúc vẫn luôn khao khát giúp đỡ quê hương bằng những sản phẩm có thể áp dụng nhanh, hiệu quả.

Giai đoạn cao điểm Covid-19, hồi tháng 4 năm 2020, ông Phúc phối hợp một số cơ quan trong nước triển khai dự án hỗ trợ 2.000 máy thở MV20 đưa về Việt Nam phục vụ chống Covid-19.

Ngoài máy thở MV20, hiện ông và cộng sự đang trao đổi với một số doanh nghiệp Việt để có thể người dân và các y bác sĩ có thể sử dụng luôn loại khẩu trang này. Đặc biệt, sản phẩm này có tiềm năng hỗ trợ người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD) giúp họ tự bảo vệ trong môi trường không khí khác nhau, điều mà mà ông Phúc nghiên cứu từ nhiều năm về trước.

Cập nhật: 26/06/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video