Nhật Bản chật vật bảo tồn "sa mạc" khỏi xanh hóa

Do trồng rừng thành công quá mức, cụm đụn cát dài 16km ven biển Tottori thu hẹp dần, diện tích chỉ còn 12% so với 100 năm trước.

Với những đụn cát vàng trải dài và bầu trời trong xanh, vùng đồi cát Tottori gợi nhắc đến sa mạc ở Trung Đông. Nhưng thực chất, nơi này nằm nằm dọc theo bờ biển của vùng San'in với dân cư thưa thớt, tây nam đảo Honshu, và là một mảnh sa mạc rất riêng của Nhật Bản.

Cụm đụn cát trải dài 16km dọc theo bờ biển, các đỉnh cao nhất lên tới hơn 45m. Chúng đã tồn tại hàng nghìn năm nhưng đang dần biến mất, không phải do biến đổi khí hậu mà do những nỗ lực "xanh hóa" của cộng đồng, CNN hôm 16/6 đưa tin.

Các đụn cát hình thành trong 100.000 năm, khi sông Sendai vận chuyển cát từ dãy núi Chugoku gần đó và đổ vào biển Nhật Bản. Qua nhiều thế kỷ, gió và các dòng hải lưu đã đẩy cát trở lại bờ biển.

Năm 1923, khi xuất hiện trong tác phẩm của tác giả nổi tiếng Takeo Arishima, đồi cát bắt đầu trở thành một "điểm nóng" về du lịch. Ngày nay, cồn cát đóng vai trò quan trọng đối với ngành du lịch tỉnh Tottori, đón trung bình 1,2 triệu du khách mỗi năm. Khách du lịch có thể ghé thăm Bảo tàng Cát, trượt ván trên cát và cưỡi lạc đà.


Đồi cát Tottori là nơi gần giống sa mạc nhất ở Nhật Bản. (Ảnh: Sean Pavone/iStock/Getty).

"Sa mạc" thu hẹp do cây cối xâm lấn

Các đụn cát mang lại hàng triệu USD mỗi năm từ du lịch, nhưng có một vấn đề: chúng đang dần thu hẹp lại, hiện chỉ lớn bằng 12% so với 100 năm trước. Nguyên nhân là dự án trồng rừng cực kỳ thành công được triển khai tại Nhật Bản vào cuối Thế Chiến II. Ở Tottori, dự án nhằm biến đụn cát thành rừng và đất nông nghiệp để nuôi sống người dân, ngăn chặn thiệt hại do bão cát và mang lại môi trường tốt hơn.

"Rất nhiều thông được trồng ở các đụn cát ven biển trên khắp Nhật Bản để ngăn cát bay. Đặc biệt là vào thế kỷ 20, khi công nghệ tiên tiến hơn, những khu rừng ven biển đã hình thành. Dự án trồng cây thành công đến mức nhiều đụn cát ven biển được chuyển đổi thành cánh đồng, khu dân cư, và đụn cát biến mất", Dai Nagamatsu, giáo sư Khoa Nông nghiệp tại Đại học Tottori, giải thích.

Khi dự án trồng rừng diễn ra, các học giả và nhà điều hành du lịch đã đề nghị bảo tồn một phần sa mạc vì mục đích kinh tế và nghiên cứu trong tương lai. Các nhà chức trách địa phương đồng ý và dành 160 ha đồi cát, tương đương 12% diện tích, làm công viên quốc gia để bảo tồn.

Nỗ lực phá rừng, bảo vệ "sa mạc"

Năm 1972, những nỗ lực chặt phá khu rừng xâm lấn sa mạc gặp nhiều khó khăn. Những loài cây được đưa tới đây liên tục tìm cách phát triển trở lại, ngăn cát chuyển động tự do - điều đã tạo nên những gợn sóng nổi tiếng của đồi cát Tottori. Cây cối lại mọc thành từng cụm ở nơi từng là khu rừng bị san phẳng. Từ đó đến nay, các nhà khoa học vẫn luôn phải chiến đấu ngăn sa mạc thu hẹp.

Có lẽ điều này không quá ngạc nhiên vì Nhật Bản trồng rừng tốt đến mức phương pháp của họ trở thành một mặt hàng xuất khẩu. Nước này là quê hương của phương pháp trồng rừng Miyawaki nổi tiếng, do nhà thực vật học Akira Miyawaki phát triển vào những năm 1970 và được áp dụng ở nhiều khu rừng trên thế giới, bao gồm cả rừng Amazon, Brazil.

Ngày nay, các tình nguyện viên thường xuyên tới để phá bỏ những cây cứng đầu mọc trên cát - một truyền thống bắt đầu từ năm 1991. Đây là hành động cần thiết nếu muốn ngăn thực vật phát triển thêm. Chính quyền Tottori thậm chí đưa thêm cát tới bổ sung cho đồi cát.

Nhiều nhà khoa học cho rằng những điều kiện hiếm của các đụn cát Tottori khiến chúng đáng được bảo tồn. "Điều kiện môi trường của đồi cát Tottori khác với những vùng đất khô cằn vì có khí hậu ẩm ướt", Nagamatsu cho biết. Ông cùng các chuyên gia khác cũng đang lên kế hoạch nghiên cứu khu vực này.

Một số nhà khoa học thậm chí suy đoán, khi khí hậu tiếp tục biến đổi, có thể việc phục hồi đụn cát sẽ trở thành biện pháp bảo vệ tốt hơn so với trồng rừng. "Xét thiệt hại do sóng thần có thể xảy ra ở Nhật Bản trong tương lai gần, có lẽ cần xem xét lại cách sử dụng đất ven biển hiện nay và cân nhắc khôi phục các đụn cát tự nhiên cho bờ biển Nhật Bản", Nagamatsu nhận định.

Cập nhật: 21/06/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video