Các nhà khoa học Nhật Bản vừa chế tạo thành công pin lithium-ion mà không cần sử dụng kim loại đất hiếm.
Ngày 17/10, một nhóm các nhà nghiên cứu của nước này, trong đó có Phó Giáo sư Yasushi Morita của trường Đại học Osaka, đã sử dụng trioxotriangulene, một loại nguyên liệu hữu cơ chiết xuất từ dầu mỏ, để thay thế coban vốn là một kim loại đất hiếm.
Nhóm nghiên cứu cho biết các pin thế hệ mới này có khả năng tích điện cao gấp gần 2 lần so với các loại pin hiện nay. Khả năng phát điện của loại pin này sẽ giảm khoảng 30% sau khi sử dụng hơn 100 lần. Tuy nhiên, phương pháp sản xuất loại pin mới này ít tốn kém hơn và pin thế hệ mới nhẹ hơn so với loại pin hiện nay.
Phó giáo sư Morita cho biết việc sản xuất thành công loại pin lithium-ion thế hệ mới này có thể mở đường cho việc chế tạo các thiết bị nhẹ hơn như điện thoại di động với thời gian sử dụng dài hơn. Ông cũng hy vọng phương pháp mới này sẽ được ứng dụng trong quá trình sản xuất ắcquy cho ôtô.
Cho đến nay, để sản xuất pin lithium-ion sử dụng trong máy vi tính và điện thoại di động, người ta phải sử dụng coban, một loại kim loại đất hiếm chỉ được sản xuất ở một số nước trên thế giới và có giá cả biến động tương đối mạnh.
Thành công của nghiên cứu trên có thể sẽ giúp giảm dần sự phụ thuộc của ngành công nghệ cao vào nguồn tài nguyên đất hiếm.