Nhiễm lạnh mùa hè chủ yếu là do những thói quen xấu như ăn đồ lạnh, chống nóng không hợp lý.
Hậu quả nguy hiểm
Không nên cho trẻ ăn nhiều đồ lạnh mùa hè (Ảnh: utexas) |
Cho đến một hôm, vừa ra khỏi cơ quan một quãng, chị Mai bỗng thấy sa sầm mặt mày, đầu óc quay cuồng, mồ hôi lạnh túa ra. Sau hôm đó, chị phải nghỉ 5 ngày liền ở nhà vì cứ đau bụng, người ngây ngấy sốt, ớn lạnh toàn thân, đau đầu... Đi khám, bác sĩ cho biết chị bị cảm một phần do đột ngột chuyển từ môi trường lạnh sang môi trường nóng, một phần vì bị nhiễm lạnh do ngồi lâu trong phòng với nhiệt độ thấp.
Bé Thanh Tùng, trường tiểu học Đặng Trần Côn (Hà Nội) bị viêm họng do thường xuyên uống nước lạnh, nước đá. Đến khi bé Tùng kêu đau họng, ho nhiều, giọng ngày càng khản đi và bố mẹ bé cho đến bác sĩ khám thì mới vỡ lẽ con mình bị viêm họng vì... lạnh. Vùng hầu họng của bé bị nhiễm lạnh, họng đỏ và sưng tấy lên. Bác sĩ cho biết để muộn một vài ngày thì phổi cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Những thói quen xấu
Mùa hè với tiết trời oi bức khó chịu đã khiến mọi người nghĩ ra đủ mọi cách để chống lại cái nóng như dùng điều hòa nhiệt độ (máy lạnh), nhà nào không có nhiều tiền thì dùng quạt hơi nước, rồi đi bơi, ngâm mình trong bồn nước mát, uống nước có đá... Tuy nhiên, nhiều người có những cách chống nóng không khoa học, dẫn đến cơ thể bị nhiễm lạnh ngay trong ngày hè, thậm chí để lại hậu quả thật đáng tiếc.
Một số thói quen xấu có thể kể đến như để điều hoà ở nhiệt độ quá thấp, quá chênh lệch so với nhiệt độ phòng nên khi đang từ ngoài trời nóng bước vào trong phòng lạnh đột ngột, cơ thể chưa thích nghi kịp, các lỗ chân lông khép lại quá nhanh sẽ dẫn đến nhiễm lạnh và một số triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, bạch cầu giảm...
Ngược lại, nếu đang từ trong phòng lạnh bước ra ngoài trời nóng thì rất dễ bị cảm. Đặc biệt, vào mùa hè có nhiều trẻ em bị nhiễm lạnh, viêm phổi phải vào bệnh viên cấp cứu do các bậc phụ huynh không chú ý khi chuyển trẻ từ phòng có máy lạnh ra ngoài trời, hoặc để trẻ nhỏ nằm thẳng dưới máy lạnh, trước quạt trong một thời gian dài... Bật điều hoà trong phòng cũng làm cho không khí bị khô, dễ dẫn đến khô mũi, khô họng, da cũng bị hút ẩm.
Nhiều người có thói quen uống nước đá trong mùa hè, nếu thỉnh thoảng thì không sao, nhưng nếu thực hiện thường xuyên, nhất là thói quen ngậm đá của trẻ nhỏ dễ sinh ra viêm vùng hầu họng, thậm chí là viêm phổi, ngoài ra còn có thể dẫn đến bệnh tiêu chảy, đau dạ dày. Thói quen cởi trần hóng gió của nhiều nam giới cũng có khả năng gây hại đến sức khỏe. Mặt khác, những người có thói quen cởi trần nghĩ rằng làm như vậy sẽ mát hơn nhưng thực ra, khi cởi trần, diện tích hấp thu nhiệt của cơ thể sẽ tăng lên càng khiến cho cảm giác nóng bức tăng...
Đề phòng nhiễm lạnh mùa hè
Cần chú ý không để cơ thể từ nóng chuyển lạnh đột ngột hoặc ngược lại vì cơ thể chưa kịp thích ứng sẽ dễ sinh ra bệnh. Chính vì vậy, khi đang đi ngoài trời nắng vào trong nhà, cơ thể đang tiết nhiều mồ hôi không nên tắm ngay nước lạnh, uống nhiều nước lạnh hay bước ngay vào phòng có máy lạnh để ở nhiệt độ thấp. Khi dùng điều hoà, chỉ nên duy trì nhiệt độ ở mức 24 - 26 độ C, nếu có trẻ em thì để ở mức 28 độ C và nên để một chậu nước ở trong phòng để giữ ẩm. Cũng không nên chuyển đột ngột từ phòng điều hòa ra ngoài trời.
Mùa hè, dù cơ thể đang nóng bức cũng không nên uống một lúc nhiều nước lạnh, nước đá mà chỉ nên uống nước hơi mát một chút. Cũng không nên uống quá nhiều các loại nước giải khát, nhất là nước có ga vì những loại nước này có nhiều đường, lại chỉ có thể giải khát được tức thời. Thêm vào đó, cần từ bỏ thói quen ngủ qua đêm ngoài trời (thói quen này thường có ở các vùng nông thôn) vì cơ thể dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến đau bụng, tiêu chảy, nhức đầu thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu gặp phải gió độc.