Nhiệt độ cao có thể vô hiệu hóa nCoV trong chưa đầy một giây

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Texas A&M thiết kế hệ thống thí nghiệm chứng minh nếu nCoV tiếp xúc với nhiệt độ rất cao, chỉ một giây cũng đủ để virus không thể lây sang vật chủ khác.

Ứng dụng nhiệt để vô hiệu hóa nCoV đã từng được chứng thực trước đây, nhưng trong những nghiên cứu trước đó, thời gian tiếp xúc với nhiệt độ rơi vào khoảng từ 1 đến 20 phút. Khoảng thời gian này không phải là giải pháp thực tế, bởi ứng dụng nhiệt trong thời gian dài khó khăn và tốn kém. Arum Han, giáo sư Khoa Kỹ thuật điện và Vi tính của Đại học Texas A&M và cộng sự chỉ ra, sử dụng nhiệt dưới một giây có thể bất hoạt hoàn toàn nCoV, cung cấp giải pháp khả thi để giảm thiểu sự lây lan của Covid-19.


Nhóm nghiên cứu chế tạo hệ thống thí nghiệm với nCoV ở nhiệt độ cao. (Ảnh: Đại học Texas A&M).

Tập đoàn Medistar tiếp cận lãnh đạo và các nhà nghiên cứu ở Trường Kỹ thuật của Đại học Texas A&M vào mùa xuân năm 2020 để cộng tác và khám phá khả năng sử dụng nhiệt trong thời gian ngắn để tiêu diệt nCoV. Han và cộng sự bắt tay vào công việc và chế tạo hệ thống để tìm hiểu tính khả thi của quy trình trên.

Hệ thống của họ hoạt động bằng cách làm nóng một đoạn ống thép không gỉ, nơi hỗn hợp chứa nCoV được đổ qua, tới nhiệt độ cao và sau đó làm lạnh ngay lập tức. Cách thiết lập thí nghiệm như thế này cho phép nCoV di chuyển qua đoạn ống bị làm nóng trong thời gian rất ngắn. Xuyên suốt quá trình tiếp xúc nhiệt cực nhanh này, nhóm nghiên cứu nhận thấy virus bị vô hiệu hóa trong thời gian ngắn hơn nhiều so với suy đoán trước đây. Họ công bố kết quả sơ bộ trong vòng hai tháng sau thí nghiệm.

Han cho biết nếu hỗn hợp được làm nóng tới gần 72 độ C trong khoảng nửa giây, điều đó có thể giảm bớt hàm lượng virus, hay lượng virus trong hỗn hợp, xuống 100.000 lần, đủ để ngăn chặn lây lan. "Tác động tiềm năng rất to lớn. Tôi vẫn tò mò chúng ta có thể ứng dụng nhiệt độ cao tới đâu trong khung thời gian ngắn đến mức nào để xem liệu chúng ta có thể vô hiệu hóa nCoV bằng nhiệt hay không. Và liệu biện pháp dựa trên nhiệt độ cao như vậy có hiệu quả từ góc độ thực tế hay không".

Nghiên cứu của Han được công bố trên số tháng 5 của tạp chí Biotechnology and Bioengineering. Giải pháp sử dụng nhiệt dưới một giây không chỉ hiệu quả và thực tế hơn trong việc ngăn chặn nCoV lây lan qua không khí, mà còn cho phép ứng dụng trong những hệ thống hiện nay như hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa nhiệt độ. Giải pháp này cũng có thể áp dụng với nhiều loại virus khác như cảm cúm. Nhóm nghiên cứu hy vọng phương pháp bất hoạt bằng nhiệt của họ có thể được ứng dụng rộng rãi và có tác động thực sự trên toàn cầu.

Trong thời gian tới, các nhà nghiên cứu sẽ chế tạo một con chip thử nghiệm cỡ vi lưu, cho phép xử lý virus bằng nhiệt trong thời gian ngắn hơn nhiều, ví dụ hàng chục mili giây. Họ mong muốn xác định được mức nhiệt độ phù hợp cho con chip.

Cập nhật: 28/04/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video