Cắn phạm vào lưỡi thì đau phải biết. Nhưng khổ nỗi một số người lại còn liên tục phạm cùng một vị trí, khiến họ chỉ muốn phát rồ lên thôi.
Đang ăn uống ngon lành thì bỗng một tiếng "Á!" vang lên, đầy bi kịch và đau đớn. Thì ra bạn đã cắn nhầm vào lưỡi của mình.
Cái cảm giác đau buốt đó gần như chẳng ai muốn trải nghiệm, mà lỡ không may trải nghiệm rồi thì đúng là chẳng còn tâm trạng nào mà ăn tiếp nữa.
Đau thì đừng hỏi...
Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là: Tại sao chúng ta lại cắn nhầm lưỡi? Câu trả lời đơn giản nhất là vì bất cẩn.
Nhưng chưa chắc, vì một số người lại thường xuyên cắn nhầm, hơn nữa còn lặp đi lặp lại tại cùng một vị trí. Chẳng lẽ họ... đen đến thế?
Lời giải thích ở đây...
Thực ra việc răng của chúng ta "táp" sai chỗ không chỉ xảy ra với lưỡi mà còn ở các vùng niêm mạc khác trong miệng như hai bên má trong, phần môi dưới. Điểm chung ở đây thì chắc ai cũng biết: đau tái tê.
Nguyên nhân dẫn đến hành động nhầm nhọt này khá đa dạng, và có thể gom lại trong ba trường hợp.
Đầu tiên, là sự thiếu chú ý khi nhai, điều mà hầu hết mọi người đều có thể mắc phải. Đôi lúc chúng ta dù mồm nhóp nhép nhai đồ ăn, nhưng lại cố gắng làm thêm việc khác như nói chuyện, đọc sách, hay với tay lấy thứ gì đó. Điều này khiến hàm răng hoạt động lỗi nhịp và kết quả là nhai trúng cái không nên nhai.
Thứ hai là do... răng: răng mọc lệch, chệch khớp cắn, răng mọc ít... dẫn đến chuyện hàm trên và hàm dưới không khép lại đúng cách, tạo ra khoảng trống.
Và vấn đề ở đây là não bộ của chúng ta sẽ nhận ra khoảng trống này, rồi cố gắng chèn vào giữa một cái gì đó để lấp đầy. "Cái gì đó" ở đây chính là lưỡi, hoặc má hoặc môi trong. Cắn nhầm vì hàm lệch thường xuyên tái diễn, thậm chí có thể thành mãn tính.
Cắn nhầm vì hàm lệch thường xuyên tái diễn, thậm chí có thể thành mãn tính.
Cuối cùng là do tâm lý. Một số người khi cảm thấy lo âu, căng thẳng thì vô thức cắn vào các phần trong miệng như một cách giải phóng cảm xúc, giống như tật cắn móng tay hoặc bứt tóc.
...và tác hại
Có lẽ không cần kể quá chi tiết, bởi những ai từng cắn nhầm đều hiểu cảm giác khó chịu vô cùng. Đau thấu trời ngay lúc đó đã đành, thời gian sau ăn uống cũng mất ngon, còn vệ sinh răng miệng thì khó khăn vì chạm vào vào vết thương.
Đã vậy với người liên tục tái phạm, chủ yếu do nguyên nhân hai và ba, thì đúng thật "yomost", chỉ muốn nuốt luôn lưỡi hay cái chỗ mà mình cứ cắn phải hoài thôi.
Nhưng đau mới chỉ là mở đầu của câu chuyện. Việc cắn nhầm còn có thể khiến bạn có nguy cơ nhiễm trùng.
Miệng chúng ta luôn chứa đầy vi khuẩn, có thể lên tới cả trăm triệu loài. Thực tế thì số vi khuẩn có hại chỉ chiếm số ít, thời nước bọt cũng chứa kháng thể tự nhiên. Tuy vậy, trong một số trường hợp, vết cắn có thể gây nhiễm trùng, đặc biệt là đối với người có hệ miễn dịch yếu hoặc người cao tuổi.
Trong trường hợp nặng, nhiễm trùng sẽ gây sốt, sưng, và có khả năng để lại sẹo.
Chỉ cần tập trung khi ăn, bạn sẽ tránh phải gặp tình trạng cắn vào lưỡi.
Ngoài ra, mối nguy từ việc cắn nhầm có thể thực sự nghiêm trọng, vì nó gây nên tổn thương và tạo điều kiện cho độc tố dễ thấm vào hơn.
Điều này có nghĩa rằng với những người hay hút thuốc hoặc nghiện rượu, lượng độc tố hấp thụ sẽ cao hơn. Thậm chí, có báo cáo còn chỉ ra rằng những người này có nguy cơ mắc ung thư miệng cao hơn bình thường.
Đây là cách chấm dứt cắn nhầm!
Với nguyên nhân thiếu chú ý, đơn giản bạn chỉ cần tập trung hơn khi ăn, không xao nhãng bởi việc khác. Đây chắc là một phần lý do cha mẹ chúng ta thường bảo "ăn xong rồi hãy nói chuyện".
Còn nếu do sai lệch ở hàm, với dấu hiệu nhận biết là răng không đều, khó chịu khi nhai, dễ nói ngọng thì cần đi khám nha sĩ. Tùy tình huống mà sẽ được áp dụng biện pháp phù hợp như mài răng, nhổ răng, niềng... để chỉnh lại hai hàm trên - dưới cho đúng.
Cuối cùng, vấn đề tâm lý có thể được điều trị thông qua thiền định nhằm kiểm soát sự căng thẳng, hay dùng vật thay thế chẳng hạn như nhai kẹo cao su mỗi khi buồn miệng.
Tóm lại gần như tất cả mọi người đều ít nhất vài lần cắn nhầm lưỡi/môi/má. Tuy nhiên, với một chút nỗ lực thì bạn không khó ngăn sự nhầm lẫn đáng ghét này tái diễn nhiều lần.