Nhiều người tưởng đang ăn cá hồi, cá kiếm nhưng thực ra là cá mập

Nguồn cá khan hiếm dẫn tới tình trạng cá mập bị săn bắt sau đó gắn mác cá kiếm hoặc cá hồi với mục đích thương mại, gây nguy hiểm cho hệ sinh thái Địa Trung Hải.

Ngư dân Franco Comes kể lần cuối ông bắt được một con cá mập là khoảng hơn sáu tháng trước.

Trong lúc đang câu cá kiếm trên biển Adriatic ngoài khơi bờ biển Monopoli, Italy, Comes vô tình bắt được vài con cá mập xanh. Chúng khá bé so với kích thước thông thường của loài này.

“Càng ngày cá mập càng hiếm, chúng cũng bé hơn nhiều so với trước đây nữa”, ông Comes nói. “20 năm trước, cá mập vẫn còn nhiều - rất nhiều là đằng khác! Qua thời gian, có vẻ số lượng cá mập đã giảm tới 80%. Không chỉ tôi mà còn rất nhiều ngư dân vùng này chú ý đến sự sụt giảm đó”.


Các hình trang trí cho thấy cá mập sinh sống ở Địa Trung Hải từ xa xưa. (Ảnh: Getty).

"Lập lờ đánh lận con đen"

Dựa trên những hình trang trí trên bình hoa từ trước thời Đế chế La Mã trị vì, cá mập được cho là đã cư trú ở vùng Địa Trung Hải trong hàng triệu năm. Khoảng một thế kỷ trước, lượng cá mập trắng ở khu vực biển Adriatic nhiều đến mức quan chức địa phương phải thuê ngư dân “thanh trừng” bớt loài này vì e sợ chúng sẽ gây nguy hiểm cho người đi biển.

Tuy nhiên, nhiều nhà sinh học cho rằng hiện nay Địa Trung Hải là một trong những vùng biển nguy hiểm nhất trên thế giới đối với cá mập. Khi nguồn cá ngừ, cá kiếm và một số loại cá khác trở nên khan hiếm, ngư dân vùng biển này dần dà chuyển hướng sang đánh bắt cá mập để bù vào. Và giờ đây, thịt cá mập được bán cho người tiêu dùng dưới mác của các loại cá khác.

Theo Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), hơn một nửa trong số 73 loài cá mập và cá đuối ở Địa Trung Hải hiện có nguy cơ tuyệt chủng. Cá mập mako vây ngắn, cá mập trắng và cá nhám phơi nắng nằm trong số những loài đang bị tận diệt. Một số quần thể cá mập đã suy giảm về số lượng lên đến 90%. Thậm chí nhiều loài đang sinh trưởng rất tốt ở những vùng khác như cá mập xanh cũng đang bị đe dọa ở vùng Địa Trung Hải.

Ông Simone Niedermüller thuộc WWF Địa Trung Hải cho rằng ô nhiễm môi trường biển và biến đổi khí hậu cũng phần nào tác động đến sự sụt giảm số lượng cá mập, tuy nhiên các bằng chứng khoa học chỉ ra một thủ phạm khác. “Rõ ràng mối đe dọa chính đối với cá mập đến từ ngư dân”.


Cá mập bị đánh bắt hàng loạt. (Ảnh: Korea Herald).

Theo WWF, số lượng cá mập xanh Tây Ban Nha bị đánh bắt trên bờ biển Địa Trung Hải tăng gấp đôi trong khoảng thời gian 2012-2016. Trên thực tế, có khá ít ngư dân đánh bắt cá mập một cách có chủ đích vì thịt của chúng không đem lại nhiều giá trị kinh tế. Do đó, họ thường nhắm đến những mặt hàng béo bở hơn như cá ngừ hay cá kiếm.

Trong quá khứ, hầu hết ngư dân sẽ thả cá mập về biển nếu chúng vô tình lọt lưới. Tuy nhiên, theo ông Niedermüller, một vài người cũng nhắm đến cá mập như một nguồn thu bổ sung khi số lượng các loài cá khác sụt giảm. Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm nghiên cứu tổng quan Châu Âu cho biết gần như toàn bộ trữ lượng cá Địa Trung Hải đã bị khai thác quá mức và khu vực này đã mất đi một phần ba lượng cá tự nhiên trong vòng 50 năm qua.

Từ loại thịt rẻ tiền đến mặt hàng được ưa chuộng

Thịt cá mập ngày càng được ưa chuộng bởi các nhà hàng và cửa hiệu thực phẩm ở châu Âu, đặc biệt là Italy và Tây Ban Nha, bởi đây là một loại hải sản giá rẻ và rất khó nhận biết nếu được nấu đúng cách. "Nhiều thực khách có vẻ không hề biết họ đang ăn thịt cá mập", bà Simona Clò, giám đốc khoa học của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã MedSharks ở Italy, cho biết.

Cũng theo bà Clò, sở dĩ nhiều người không ý thức được việc những món ăn mà họ được phục vụ có chứa thịt cá mập là bởi cách các nhà hàng đặt tên món ăn tương đối khéo léo hoặc khá chung chung, như “súp cá trộn” hay “cá chiên hỗn hợp”. Đôi khi, thịt cá mập được trộn lẫn với các loại cá khác, do đó người tiêu dùng khó có thể nhận ra sự khác biệt.

Thịt cá mập thậm chí còn bị bán dưới mác là các loại cá khác có giá bán trên thị trường cao hơn. 1 kg cá mập xanh có giá 1 euro trong khi thịt cá kiếm có giá trị cao gấp 12 lần. “Chênh lệch lợi nhuận là quá khủng khiếp”, ông Pierluigi Carbonara, nhà sinh vật biển ở Puglia, cho biết. “Tôi không phải một nhà kinh tế, nhưng tôi nghĩ ngay cả một đứa trẻ cũng hiểu tại sao việc "lập lờ đánh lận con đen" như vậy lại xảy ra”.

Hệ quả từ hình thức khai thác tận diệt

Có nhiều vấn đề xoay quanh hình thức gian lận hải sản này. Bên cạnh việc đây là một hành vi trái pháp luật, người tiêu dùng tiêu thụ thịt cá mập tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe, bởi thịt cá mập chứa hàm lượng thủy ngân và các kim loại nặng khác cao hơn so với thịt cá ngừ, cá hồi hay cá kiếm.

Hơn nữa, hầu hết hoạt động đánh bắt cá mập và cá đuối trên thế giới đều không được kiểm soát. Việc khai thác quá mức có thể dẫn đến sự cạn kiệt tài nguyên biển và làm đảo lộn hệ sinh thái.


Một chợ bán thịt cá mập công khai. (Ảnh: Getty).

Cá mập là loài sinh trưởng chậm và sinh sản ít. Do đó, một khi bị săn bắt quá mức sẽ rất khó phục hồi. Vì cá mập là loài săn mồi giỏi và đứng ở những nấc thang cao nhất trong chuỗi thức ăn dưới đại dương, nhiều người lo ngại rằng việc khai thác tận diệt loài này sẽ dẫn đến sự sinh sôi quá mức của nhiều loài khác, đồng thời gây ra sự tuyệt chủng của nhiều loài khác nữa.

Từ sự mất cân bằng tự nhiên đó, những biến đổi của môi trường là điều khó tránh khỏi. Địa Trung Hải đã và đang thay đổi nhanh chóng. “Chúng ta cần cá mập để đảm bảo sự cân bằng của môi trường và hướng tới tương lai bền vững hơn”.

Cập nhật: 13/07/2020 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video