Ngón tay Galileo, bộ não Einstein, hơi thở Edison nằm trong số những dấu tích còn lưu lại đến ngày nay của những nhà khoa học nổi tiếng.
Ngón tay của Galileo
Tháng 6/2010, Italy chứng kiến một cuộc đoàn tụ đặc biệt trong lịch sử văn hóa, theo BBC. Đó là lúc xương ngón tay cái và ngón tay giữa của nhà thiên văn học tiên phong thời Phục Hưng Galileo Galilei được trưng bày cùng bộ răng của ông tại Bảo tàng Lịch sử Khoa học Florence.
Ngón tay giữa và ngón tay cái của Galileo Galilei đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Khoa học Florence, Italy. (Ảnh: Artscatter).
Năm 1737, khi thi hài Galileo được đưa sang một ngôi mộ khác, một số người đã đánh cắp các ngón tay cùng với một chiếc răng và đốt xương sống của ông để làm bùa với mong muốn trở thành thiên tài.
Bảo tàng Lịch sử Khoa học Florence mua lại các ngón tay trong một buổi bán đấu giá năm 2009. Hiện nay, nhiều khách hành hương thường tới bảo tàng để chiêm ngưỡng ngón tay của Galileo cũng như cặp kính thiên văn do ông sáng chế.
Dương vật của Napoleon
Năm 1821, một bác sĩ phẫu thuật người Anh bị cáo buộc cắt đứt dương vật của Napoleon Bonaparte khi khám nghiệm thi thể ông trên đảo St Helena giữa Đại Tây Dương, nơi Napoleon trút hơi thở cuối cùng sau 6 năm bị người Anh lưu đày.
Napoleon Bonaparte, hoàng đế nước Pháp, là một nhà quân sự và nhà chính trị xuất sắc. (Ảnh: Alamy).
Kể từ đó, dương vật của Napoleon được truyền lại qua nhiều thế hệ, từ một linh mục người Italy ở thế kỷ 19 đến người bán sách ở London, Anh, vào thế kỷ 20. Năm 1969, một bác sĩ người Mỹ mua lại nó với giá 2.900 USD để làm phong phú thêm bộ sưu tập cá nhân. Ông để nó dưới giường trong một chiếc vali cho đến khi qua đời năm 2007.
Tháng 6/2016, tài sản của bác sĩ này được bán đấu giá cho một nhà sưu tập người Argentina. Trong số vật phẩm được chào bán nhiều khả năng có dương vật của Napoleon.
Đôi mắt và bộ não của Einstein
Khi Albert Einstein qua đời ở bệnh viện Princeton, bang New Jersey, Mỹ vào ngày 18/4/1955, bác sĩ Thomas Harvey đã lấy đôi mắt và bộ não ra khỏi thi thể ông. Ngày nay, đôi mắt Einstein đang nằm trong két an toàn ở New York, Mỹ.
Thomas Harvey và một phần bộ não của Einstein. (Ảnh: Wikipedia).
Harvey mang bộ não của Einstein tới Đại học Pennsylvania, Mỹ. Ông chia nó thành 240 khối nhỏ và nhiều lát cắt để gửi tới các chuyên gia nghiên cứu thần kinh nổi tiếng. Một số lát cắt còn sót lại của bộ não Einstein hiện được trưng bày công khai tại Bảo tàng Mutter ở Philadelphia, bang Pennsylvania, Mỹ.
Hơi thở cuối cùng của Thomas Edison
Ống thủy tinh trong suốt chứa hơi thở cuối cùng của nhà phát minh thiên tài người Mỹ Thomas Edison đang được trưng bày tại Bảo tàng Henry Ford ở Dearborn, Michigan, Mỹ.
Ống thủy tinh chứa hơi thở cuối cùng của Thomas Edison. (Ảnh: Bảo tàng Henry Ford).
Theo niềm tin của người Hy Lạp, hơi thở mang theo linh hồn của con người. Khi Edison chết trong phòng ngủ ở New Jersey năm 1931, bác sĩ đã thu lại hơi thở cuối cùng của ông bằng một ống nghiệm có nút đậy ngay bên cạnh. Charles, con trai Edison, gửi ống nghiệm này đến Henry Ford, đối tác kinh doanh của cha mình, để nhờ bảo quản giúp.