Những "cái đầu" xuất sắc nhất thế giới IT 2005 - Kỳ I

Đằng sau thành công của mỗi tập đoàn đều có bóng dáng của ít nhất một "yếu nhân". Những quyết định và sách lược của họ đôi khi có thể làm thay đổi cả guồng máy công nghệ thế giới. Chân dung những nhà lãnh đạo tài ba nhất trong lĩnh vực công nghệ theo bình chọn của BusinessWeek Online.

1. Steve Jobs (Apple, Pixar)

Không một ai, xin nhấn mạnh là không một ai trong vương quốc công nghệ, có được một năm tuyệt vời bằng vị giám đốc điều hành của Apple Computer này. "Quả táo" tiếp tục là kẻ lĩnh xướng thành công cho những xu hướng thời trang sành điệu nhất của năm 2005, bằng vào những sản phẩm như iPod nano hay video iPod. Đấy là chưa kể Mac mini, dòng máy tính rẻ nhất từ trước đến nay mà Apple tung ra.

Quả thật, không có một "yếu nhân" nào bắn súng hai tay như một xịn bằng Jobs. Apple thành công đã đành, Hãng phim hoạt hình Pixar do Jobs điều hành còn làm mưa làm gió cả Hollywood với những siêu phẩm như "Đi tìm Nemo" hay "Gia đình siêu nhân Incredibles".

Điều này giúp giải thích vì sao Jobs lại có thể thuyết phục được hãng Disney đồng ý cung cấp các show truyền hình ăn khách như Lost trên máy video iPod. Disney muốn mở rộng quan hệ với Pixar, xưởng phim hoạt hình xịn nhất hiện nay, và cũng bởi iPod quá "hot" rồi. 10 triệu máy nghe nhạc quả táo dự kiến sẽ bán hết veo trong quý này. Giá cổ phiếu của hãng sẽ tăng gấp đôi so với hồi 1/1/2005, lên 73 USD.

2. Terry Semel (Yahoo!)

2005 là một năm không quá hoành tráng cho Yahoo! trên phố Wall, cũng như cho vị giám đốc điều hành Terry S.Semel của hãng. Cổ phiếu Yahoo! dao động quanh mức 40 USD, tức là tăng 6% so với hồi đầu năm, trong khi cổ phiếu của kình địch Google tăng hơn gấp đôi, đạt trên 400 USD.

Thế nhưng làm việc dưới cái bóng của Yahoo!, hãng công nghệ "hot" nhất thế giới, luôn có những ưu điểm của nó. Semel và các đồng sự đã cần mẫn và lặng lẽ xây nên một trong những mô hình kinh doanh đa dạng nhất "cái làng" Internet. Họ bán tất tật mọi thứ, từ những quảng cáo nhấp nháy trên màn hình cho đến kết quả tìm kiếm, từ dịch vụ nhạc số trả tiền cho đến truy cập Internet tốc độ cao. Yahoo! giống như một nồi lẩu thập cẩm đang sôi sục, với doanh thu tăng tới 42% trong năm nay, đạt 3,7 tỷ USD.

Không giấu giếm tham vọng, Yahoo cũng đang nhảy vào địa hạt viễn thông, cạnh tranh với Skype và bắt tay cùng Verizon Communications để bán các gói truy cập mạng tốc độ cao. Đợt tuyển dụng một loạt tài năng về lập trình tìm kiếm trong năm qua báo hiệu cuộc chiến Yahoo-Google trong năm tới sẽ nóng như chưa bao giờ được nóng.

3. Kim Shin Bae - SK Telecom

Tại một đất nước mà hầu như người dân nào trên 15 tuổi cũng đã có ít nhất một chiếc ĐTDĐ, thật khó xoay sở cho các hãng di động nếu muốn duy trì mãi sự tăng trưởng. Thế nhưng kể từ khi Kim Shin Bae trở thành giám đốc mạng di động lớn nhất Hàn Quốc này (tháng 3/2004), SK Telecom đã mạnh dạn phiêu lưu vào những lĩnh vực kinh doanh mới và tận hưởng tăng trưởng doanh thu... 2 con số.

Bí quyết của Kim là gì? Rất đơn giản, khi "voice" đã bão hòa thì hãy tập trung cho dữ liệu và nội dung.

Kim, 51 tuổi, đã khai trương một "quầy nhạc trực tuyến" có khoảng 500.000 thuê bao, sử dụng vệ tinh để phát sóng chương trình truyền hình tới màn hình điện thoại 300.000 thuê bao khác, đồng thời kích hoạt một cổng Internet không dây. Nơi đây cung cấp tất cả những dịch vụ multimedia thời thượng như video theo yêu cầu, online game và RSS. Năm tới, mạng của SK sẽ tiếp tục được nâng cấp lên tốc độ cao hơn nữa để phục vụ cho video, game, đồ họa và các nội dung ngốn băng thông.

Chưa hết, SK sẽ tiếp tục với tay ra nước ngoài, thông qua một liên doanh với EarthLink của Mỹ trị giá 440 triệu USD. Ngoài ra, SK còn đầu tư rất mạnh tay cho mạng S-Fone của Việt Nam.

4. Jeffrey Immelt - General Electric

Theo Jeff Immelt, định nghĩa về một công ty trong mơ là: luôn đi đầu về công nghệ, thư thái tiến lên phía trước mà doanh thu dự kiến vẫn đạt hơn 160 tỷ USD. Vị giám đốc điều hành 49 tuổi của General Electric đã yêu cầu các nhân viên của mình phải "liều lĩnh" đề xuất một loạt sản phẩm và dịch vụ "ba mới": mở lối thị trường mới, phát triển công nghệ mới và tán tỉnh được khách hàng mới.

Những sản phẩm hiện nay của GE dựa nhiều hơn vào công nghệ sinh học và sức gió thay cho bóng đèn và vi sóng đã có phần cổ lỗ. Ngoài ra, chiến lược của Immelt là tập trung vào những thị trường mới nổi như Trung Quốc.

5. Edward Zander (Motorola)

Khi Edward lên nắm quyền sinh sát tại Motorola vào năm 2004, mẫu điện thoại siêu mỏng Razr đã có mặt trong phòng thí nghiệm. Thế nhưng phải dưới bàn tay phù thủy của Zander, Rarz mới thực sự thoát thai, trở thành một "quả bom tấn" và góp phần phục sinh cho cả một nền văn hóa mang tên Motorola.

Zander, năm nay 58 tuổi, đã thổi vào toàn bộ cỗ máy Motorola đang ì ạch một tinh thần gấp gáp, vội vã, khẩn trương chưa từng có. Không chỉ Rarz rốt ráo tấn công thị trường, mà hơn 100 triệu chiếc điện thoại mang logo hình chữ M khác cũng sấn sổ nhảy vào tay người tiêu dùng trong năm 2005. Thị phần Motorola tăng từ 13,5% trong quý III/2004 - thời điểm Razr bắt đầu tung ra, lên gần 19% cùng kỳ năm nay. "Nó giống như một single hit buộc mọi người phải mua tiếp cả album vậy", Zander ví von. "Nhưng chúng ta vẫn cần hơn thế nữa".

Để tiếp tục cho ra đời những sản phẩm khuynh đảo bảng xếp hạng như thế này, Zander (Trong ảnh đang đeo kính Razrwire kiêm ĐTDĐ của Motorola), nhấn mạnh các bộ phận cần hợp tác chặt chẽ và chăm sóc khách hàng không mệt mỏi. Trước đây, các bộ phận "ai biết thân người nấy", "đèn nhà ai, nhà nấy rạng" còn người tiêu dùng luôn bị xếp vào thứ yếu. Nhưng giờ thì Motorola đã thay đổi cách nhìn và người tiêu dùng khắp thế giới đều nhận thấy điều ấy.

6. Richard Parsons: (Time Warner)

Trong cương vị giám đốc điều hành của Time Warner, Richard.D Parsons đã làm được một điều gần như là kỳ diệu: Giá cổ phiếu của hãng gần như đã đạt bằng mức 3 năm trước đây, khi ông mới về nắm quyền. Nên biết rằng, sau cuộc sáp nhập khủng hoảng cùng AOL trong năm 2001, giá cổ phiếu Time Warner đã rớt tự do. Thế nhưng trong phần lớn năm 2005, Parsons đã dần kéo công việc kinh doanh của hãng truyền thông lớn nhất thế giới này trở về quỹ đạo.

Parsons đã giải quyết dứt điểm từng vấn đề đau đầu một của Time Warner, từ trả bớt nợ, bán bớt các bộ phận làm ăn không hiệu quả cho đến dàn xếp gọn gàng các cuộc điều tra liên bang và vụ kiện của các cổ đông.

Cùng với tin tức rò rỉ rằng nhiều gã khổng lồ như Microsoft, Google và Comcast đều đang đặt vấn đề với Time Warner để mua cổ phần trong AOL, có vẻ như Parsons sắp rũ bỏ thành công "con quái vật" cuối cùng trong đế chế của ông. Nếu Parsons có thể làm cho giá cổ phiếu tăng lên nữa, tất cả những kẻ chỉ trích to mồm nhất sẽ chẳng còn cớ để mà mở miệng.

(Còn tiếp)

Thiên Ý

Theo VietnamNet
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video