Những con lợn ỉ cuối cùng?

Trong tập các bản đồ mới nhất về các giống vật nuôi ở VN do Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn phát hành, giống lợn ỉ mỡ (hay còn gọi là lợn ỉ nhăn) được xếp vào loài đã bị tuyệt chủng.

Thế nhưng trong chuyến khảo sát tại một vùng biển nghèo ở Thanh Hóa của nhóm các nhà khoa học Trường ĐH Hồng Đức, lợn ỉ đã được tìm thấy và nuôi giữ bởi những hộ nghèo nhất nhì trong vùng.

Lợn ỉ mỡ đang được nuôi giữ giống tại Viện Chăn nuôi (Ảnh: T.T)

Vì sao một giống lợn có thịt thơm ngon, dễ nuôi lại suýt bị tuyệt chủng? Kỹ sư Nguyễn Như Cương, trưởng phòng khoa học Trường ĐH Hồng Đức, cho biết nhược điểm của giống lợn này thịt ít mỡ nhiều (tỉ lệ nạc chỉ đạt 36% trong khi mỡ lại chiếm đến 54%). Nuôi lợn ỉ cả năm cũng chỉ đạt 40-50kg, trong khi giống lợn thịt nuôi sáu tháng đã đạt 70 - 80kg.

Đã hơn mười năm qua từ lúc tìm lại được giống lợn ỉ, cứ vào những ngày cuối tuần kỹ sư Cương lại lọc cọc đạp xe hơn 30km đi và về xã Hoằng Hóa để thăm lợn. Ông Cương kể: từ lúc tìm lại được những con lợn ỉ cái, kế hoạch điều tra, bảo tồn giống lợn đã được tiến hành. Thế nhưng thuyết phục thêm người dân chịu nuôi con vật này là bài toán khó vì không kinh tế.

Nếu liên tục các năm từ 2001-2003 có 50 lợn ỉ cái và bốn lợn đực giống được bảo tồn ở khu vực này thì đến nay chỉ còn 30 lợn cái và bốn lợn đực. Suốt 10 năm qua, kỹ sư Cương đã gõ cửa nhiều doanh nghiệp, trại chăn nuôi... Một số nơi đã nhận giống và nuôi thử. “Thế nhưng nuôi một thời gian họ lại thông báo ngưng vì lợn phát triển chậm chạp và không kinh tế”. Vì vậy con vật nuôi này hiện vẫn được bảo tồn chủ yếu dựa vào những hộ nghèo chịu nuôi dưới sự hỗ trợ của Nhà nước.

Người nuôi lợn ỉ được hỗ trợ phối giống, lợn đẻ một ổ sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng, những lợn con giống cái sẽ được bao tiêu hơn hai giá. Thế nhưng tìm lối ra cho giống lợn ỉ cũng là công việc rất khó khăn, ông Cương cho biết nhóm bảo tồn lợn ỉ vẫn đang tìm kiếm địa chỉ những doanh nghiệp quan tâm đến thịt lợn truyền thống vốn thơm ngon và sạch (không có kháng sinh).

Thế nhưng hi vọng cũng chỉ là hi vọng. Hiện mỗi năm Nhà nước phải gánh một khoản kinh phí 30 triệu đồng và không nhận lại được gì ngoài ý nghĩa bảo tồn một quĩ gen quí.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông kỹ sư già vẫn không nguôi lo lắng: đến một lúc nào đó nếu Nhà nước không gánh tiếp, con vật này có lẽ tuyệt chủng thật. Ông bộc bạch: tự thân con lợn ỉ vốn đã là một nguồn gen quí, một khi chúng mất đi thì dù công nghệ có phát triển đến đâu đi nữa cũng rất khó lòng tạo ra những con vật hài hòa và ngộ nghĩnh với cái mặt nhăn, mõm ngắn và bụng xệ hầu như quét đất như thế...

THU THẢO

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video