Những điều bạn chưa biết về chứng tự ngược đãi bản thân

Thời gian gần đây, không ít người trẻ có hành vi tự ngược đãi bản thân do gặp những vấn đề căng thẳng trong đời sống hoặc bất mãn với bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và việc không được đáp ứng của cá nhân. Hội chứng này đang có dấu hiệu lan rộng khiến các bậc phụ huynh và xã hội lo lắng.

Tự làm đau để được thỏa mãn

Theo TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, tự ngược đãi bản thân là hình thức tự làm “đau” về cả thể chất và tinh thần với mục đích loại trừ bản thân... Một ai đó dùng dao (dao lam), mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân. Hoặc một người nào đó tự đặt ra những hình phạt không phù hợp cho mình…

Dấu hiệu mắc chứng tự ngược đãi bản thân

Theo ThS tâm lý Nguyễn Lan Anh, những cơn trầm cảm thể nặng hầu như đều bắt đầu từ những khủng hoảng dạng vừa của tuổi vị thành niên. Càng lớn lên, các mối quan hệ xã hội phức tạp dần, “cơn khủng hoảng” có thể phình to thành trầm cảm. Nếu không được can thiệp, chữa trị sớm thì hậu quả khôn lường.

BS Nguyễn Ngọc Phượng (Bệnh viện tâm thần Mai Hương, Hà Nội) cho biết: “Áp lực học hành, thi trượt, thất tình, mặc cảm giới tính, không tìm thấy ý nghĩa sống, thậm chí muốn chứng tỏ mình… khiến nhiều thanh niên rơi vào tình trạng ngược đãi bản thân từ thể nhẹ đến nặng, nhất là ở lứa tuổi teen (từ 13-19 tuổi). Đây là giai đoạn quá độ giữa thiếu niên và trưởng thành, thuật ngữ tâm lý học gọi là thời kỳ “giông bão và stress”.

Theo các chuyên gia y tế, dấu hiệu nhận biết bệnh nhân mắc chứng bệnh tự ngược đãi bản thân là: có hành vi tự gây tổn hại như tự gây đau, hay gặp nhất là hình thức cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu ở nhiều vị trí khác nhau nhưng không gây tổn hại đến tính mạng.

Theo Viện trưởng Nguyễn Doãn Phương, người bệnh cũng có thể lao đầu vào tường, tự đánh, tự tát; nhổ tóc, cấu rách da; nhịn ăn. Cùng đó, là trạng thái ức chế cảm xúc đi kèm như tự gây tổn hại về tinh thần, tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở. Quan trọng là sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế.


Hành vi tự gây tổn hại hay gặp nhất là hình thức cắt tay.

Ngoài ra, người bệnh thường có cảm giác buồn, chán nản, mệt mỏi, dễ cáu giận, rối loạn giấc ngủ; đặc biệt, cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian của bệnh, đôi khi có thể kèm trạng thái lo âu. Bên cạnh đó là những triệu chứng khác như nhịp tim không đều, nhanh hoặc đánh trống ngực, cảm thấy căng tức ở bầu ngực trái, tăng huyết áp; mỏi đầu gối, căng cơ, cảm giác liệt, đau ở khớp; cảm thấy thở khó, sợ chết ngạt…

Gia đình là yếu tố quan trọng

Về căn bệnh còn mới lạ và vô cùng nguy hiểm này, TS.BS Dương Minh Tâm- Trưởng phòng Điều trị stress, Viện Sức khỏe tâm thần phân tích: Nguyên nhân là do hiện nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Trong khi đó ở nhà, cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc.

Đáng ra người bệnh khi gặp vấn đề căng thẳng thì phải chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác nhưng người bệnh lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết. Hoặc ngược lại, họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác. Theo đó, stress thường gặp là những vấn đề đời sống, xã hội hoặc sự bất mãn bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và việc không được đáp ứng của cá nhân.

Lứa tuổi vị thành niên vốn tâm lý chưa ổn định, những cuộc trao đổi trò chuyện cởi mở, thẳng thắn giữa cha mẹ và con cái là cách tốt nhất để hiểu và khuyên bảo con, giúp con bồi dưỡng nhân cách, giảm stress trong cuộc sống. Cha mẹ phải luôn thân thiện và tôn trọng con, không những trở thành người bạn để chia sẻ mọi tâm tư với con cái mà chính họ phải thừa nhận những mặt mạnh, yếu của mình cũng như điều được và chưa được của con cái để tạo ra sự công bằng trong cách ứng xử.

Làm sao để trẻ không mắc chứng bệnh này?

Về căn nguyên của chứng bệnh, ngoại trừ những trẻ có bệnh hay thiếu sót thần kinh, tâm thần bẩm sinh hoặc mắc phải trong những năm đầu thời kỳ thơ ấu, còn lại những trẻ bình thường thì nhân cách do sự giáo dục của gia đình và nhà trường quyết định.

Tuy nhiên, lại có rất nhiều lý do dẫn đến việc trẻ ít hoặc không được giáo dục, uốn nắn... như kinh tế khó khăn, công việc bận bịu, bi kịch gia đình hay quan niệm trời sinh voi sinh cỏ, gia đình kém quan tâm đến việc giáo dục trẻ... Các bậc cha mẹ, ông bà có thường xuyên biết được nhu cầu, sở thích, đam mê của trẻ và trong số đó những gì lệch lạc cần được uốn nắn.

Mắng, chửi trẻ rõ ràng làm trẻ xa lánh và dùng quyền không phải lúc nào cũng đúng và cũng đem lại hiệu quả tốt.

Chiều chuộng trẻ không đúng và quá mức đem lại hậu quả xấu. Những đứa trẻ này sau nhiều năm muốn gì được nấy sẽ hình thành nhân cách yếu (dễ bị tổn thương): Thiếu tự chủ và kìm chế bản thân, thích được chiều chuộng, thích phô trương và rất kém chịu đựng những khó khăn trong cuộc sống.

Nhân cách yếu này có hai đặc điểm bệnh lý đặc trưng là tính cảm xúc và tính ám thị tăng cao. Khi không toại nguyện, bệnh nhân bị cảm xúc thất vọng nặng nề, tức giận quá mức, lo sợ cao độ... chi phối và hậu quả là lý trí bị lấn át, không phân biệt được phải trái, đúng sai, là nguyên nhân của những hành vi khóc lóc, gào thét, đập phá, giãy giụa; tính ám thị tăng cao, ví dụ khi khóc lóc, nhìn mờ vì nước mắt làm nảy sinh lo sợ bị mù mắt và lập tức không nhìn thấy gì (gọi là mù hysteria hay mất thị lực phân ly). Chiều chuộng trẻ không đúng và quá mức chỉ là một dẫn chứng cho một khía cạnh về sự đa dạng của giáo dục nhân cách.

Ngày nay, công nghệ số với rất nhiều phương tiện và cả người lớn lẫn trẻ em đều “nghiện”. Không ít gia đình ban ngày đi làm, đi học, tối về mỗi người một góc, cha mẹ thì facebook, zalo, con cái thì điện thoại, máy tính bảng và giao tiếp trực tiếp giữa những người trong một mái nhà chỉ còn tối thiểu... Khi trẻ cho rằng chúng thiếu thốn tình cảm gia đình, nhất là những trẻ có nhận thức lệch lạc thường dễ mắc chứng tự ngược đãi bản thân.

Đơn giản là trẻ thấy mình bị bỏ rơi và trẻ con không phải người lớn thu nhỏ lại, vì thế với một tâm hồn thơ dại, cảm xúc trống rỗng dẫn đến chán chường, tức giận, bất mãn… là khó tránh khỏi.

Hiện trạng xã hội hiện tại làm thay đổi một số đặc điểm tâm lý tuổi trẻ, khác với đặc điểm tâm lý những thế hệ đã tiền lão khoa (55 - 60 tuổi) trở lên. Chúng ta, những người lớn cần hiểu rõ sự thay đổi này để có sự giáo dục phù hợp, tuy nhiên người xưa dạy “tề gia không gì hay bằng nhân” thiết nghĩ vẫn luôn đúng. Muốn thế, gia đình phải là nơi để trẻ chia sẻ những nhu cầu, sở thích, đam mê cũng như giải tỏa sang chấn. Nắm được những vấn đề này mới có thể phân tích cho trẻ hiểu những nhu cầu, sở thích, đam mê đó có phù hợp với thực tế cuộc sống, đúng hay sai theo một khía cạnh nào đó (chẳng hạn tình người), từ đó mới uốn nắn được những tâm lý lệch lạc có thể làm “hỏng” một cuộc đời.

Cập nhật: 13/11/2018 Theo daidoanket/laodong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video