Những động vật tuyệt chủng có cơ hội "đội mồ sống dậy"

Voi ma mút, hổ Tasmanian hay ếch ấp trứng bằng dạ dày... là những loài động vật có cơ hội "sống" thêm lần nữa.

Cùng với sự phát triển nhanh của xã hội loài người, môi trường tự nhiên đang bị thu hẹp với tốc độ chóng mặt, kéo theo đó là sự tuyệt chủng của vô số các loài động vật khác nhau.

Tuy nhiên, với nền khoa học phát triển, một vài loài trong số đó vẫn còn cơ hội để “sống” thêm một lần nữa.

1. Ếch ấp trứng bằng dạ dày

Loài ếch kỳ lạ ấp trứng bằng dạ dày (Gastric Brooding Frogs - GBF) có tên khoa học là Rheobatrachus, chúng là loài ếch bản địa ở Australia và được tìm thấy vào năm 1972.

Do số lượng ếch GBF được phát hiện không nhiều và sau đó ít lâu, vào năm 1983, chúng bị tuyên bố tuyệt chủng. Vào thời điểm đó, do sự phát triển khoa học kỹ thuật còn chưa cao nên các nhà khoa học chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu hơn về loài này.

Ếch GBF có một điểm khá khác biệt: ấp trứng bằng dạ dày. Ngay sau khi đẻ trứng ra, GBF ngay lập tức nuốt trứng vào trong dạ dày - toàn bộ axit trong dạ dày lúc này đã được chuyển qua một túi chứa khác để không gây hại cho những quả trứng mới sinh.


Khi dạ dày chúng đã chứa đầy trứng, trứng sẽ được kéo thẳng xuống tử cung và sau khi trứng nở, ếch con sẽ được nôn ra qua đường miệng

Năm 2011, giáo sư Michael Archer và nhóm nghiên cứu của ông đã thành công trong việc tái tạo một số tế bào GBF bằng cách phân tích ADN của ếch sọc - loài có họ hàng gần nhất với GBF.

Mặc dù vậy, tế bào này vẫn chưa được hoàn chỉnh và cần phải nghiên cứu thêm rất nhiều. Bên cạnh đó, đối tượng để nghiên cứu - ếch sọc lại chỉ sinh sản 2 lần trong năm nên sẽ khiến cho tiến độ công việc bị giảm sút khá nhiều.

2. Loài Thylacine

Loài Thylacine thường được biết đến với tên gọi hổ Tasmanian hay chó sói Tasmanian.


Sinh vật này xuất hiện đầu tiên ở Papua New Guinea nhưng sau đó, chỉ còn lại ở Nam Úc

Chúng là một loài săn mồi với hàm răng rất khỏe, một cú ngoạm của nó mạnh gấp ba lần so với một con chó cùng kích thước.

Nguyên nhân khiến chúng tuyệt chủng trực tiếp là do việc di cư của con người. Những người châu Âu khi di cư sang Úc đã sinh sống, trồng trọt và chăn nuôi trên chính lãnh thổ của loài này, không những thế, họ còn coi Thylacine là thủ phạm tấn công đàn cừu của mình nên phát lệnh săn bắn.

Với mỗi xác hổ Tasmania, người thợ săn sẽ được trao giải thưởng lớn nên tất nhiên, chúng đã bị săn bắn đến gần như tuyệt chủng. Con hổ Tasmania cuối cùng được biết đến đã chết trong vườn thú vào năm 1936, chính thức đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của loài thú này.

Tuy nhiên, một vài xác Thylacine đã được lưu giữ tại bảo tàng Melbourne. Vào năm 2008, các nhà khoa học đã sử dụng chính nguồn này để “vá” lại bộ gene của chúng, chèn vào một phôi chuột và bắt đầu công cuộc “tái sinh” động vật tuyệt chủng của mình.

3. Nai sừng tấm Ireland

Với phương pháp sử dụng vật chủ thay thế - tức là cấy tế bào của một sinh vật vào phôi thai của một sinh vật khác để tạo ra chính sinh vật đấy, việc tái sinh nai sừng tấm Ireland - một trong những loài nai lớn nhất thế giới không còn quá khó khăn.


Loài nai khổng lồ này có chiều cao đến vai lên tới 2,1m, cặp sừng dài gần 4m, nặng tới 40kg và tổng trọng lượng cơ thể trung bình khoảng 600kg

Nhưng thật may mắn, với một bộ xương hóa thạch duy nhất còn lại của loài này, các nhà nghiên cứu của ĐH London đang dần hoàn thành một bản đồ gene hoàn chỉnh; từ đó xây dựng lại tế bào của loài nai này dựa trên cơ sở họ hàng của chúng.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra vật chủ thay thế thích hợp, và trả lời cho câu hỏi, liệu môi trường sống ngày nay có thích hợp với loài nai sừng tấm Ireland này nữa hay không?

4. Voi ma mút

Việc tái sinh voi ma mút được cho là một ước mơ vô cùng lớn lao với các nhà khoa học bởi nó có thể giúp mở ra những hướng nghiên cứu mới về Kỷ Băng hà.

Vào năm 2011, một nhóm nghiên cứu tại Tokyo đã tuyên bố rằng, họ sẽ cho ra đời một chú voi ma mút trong vòng 2 năm bằng kỹ thuật sử dụng vật chủ thay thế. Tuy nhiên, có vẻ như việc này khó hơn những gì ta tưởng.

Việc tồn tại dưới băng tuyết trong một thời gian quá dài như vậy không thể đảm bảo các tế bào còn nguyên vẹn và khả năng hoạt động của chúng sau khi "rã đông" cũng không thực sự tốt. Kết quả là sau rất nhiều thí nghiệm, họ vẫn không thể tạo ra được một tế bào hoàn chỉnh.

Triển vọng tái tạo các loài vật cổ đại càng được giới khoa học chú ý khi họ dự kiến sẽ trích lấy tế bào gốc từ xác con voi ma mút con để thu thập DNA nhằm tái tạo loài vật cổ đại. Kỹ thuật này đòi hỏi các tế bào phải khỏe mạnh dù trải qua hàng nghìn năm dưới lớp băng tuyết. Tuy nhiên, các nhà khoa học hi vọng rằng, với cách này, việc tái tạo voi ma mút không còn là việc quá xa vời nữa.

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video