Nỗ lực thành công của Ấn Độ cùng một số bước tiến mới trong nghiên cứu hành tinh đỏ hay lần đầu tiên tàu thăm dò đáp xuống sao chổi là những cột mốc đáng nhớ trong năm nay, hiện thực hóa giấc mơ vốn chỉ có trong khoa học viễn tưởng.
Ấn Độ chinh phục sao Hỏa
Ngày 25/9, tàu thăm dò Mangalyaan đến quỹ đạo sao Hỏa, đánh dấu nỗ lực thành công đầu tiên của Ấn Độ trong hành trình nghiên cứu hành tinh đỏ.
Mô phỏng tàu thăm dò Mangalyann của Ấn Độ. (Ảnh: BBC)
Mangalyaan được phóng đi từ căn cứ không gian Sriharikota, nằm bên vịnh Bengal ngày 5/11/2013. Theo lịch trình, nó sẽ quay quanh quỹ đạo hành tinh đỏ trong ít nhất 6 tháng, với nhiệm vụ ghi lại hình ảnh và thu thập dữ liệu khoa học. Nhờ đó, các nhà khoa học có thể nghiên cứu hệ thống thời tiết của sao Hỏa, tìm khí methane trong không khí, cũng như tìm hiểu về nguồn nước được cho là từng tồn tại trên hành tinh này.
Chương trình không gian của Ấn Độ được đánh giá là một thành tựu lớn khi đã thành công ngay trong lần đầu thử nghiệm, và còn được chú ý hơn khi chi phí đầu tư chỉ bằng một phần 10 so với chương trình tương tự của Mỹ.
Theo AP, sự thành công của chương trình khám phá sao Hỏa Mars Orbiter Mission (MOM hay Mangalyaan) đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia đi đầu khám phá hành tinh đỏ, trong đó có Mỹ, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Liên Xô. Trong khi đó, Ấn Độ là một quốc gia đông dân nhưng không giàu có.
Ngày 18/12, quốc gia Nam Á này thử nghiệm tên lửa mới và loại khoang trên tàu vũ trụ có thể quay trở về Trái Đất. Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động thử nghiệm nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa ba phi hành gia của họ lên không gian.
Lần đầu tiên đáp xuống sao chổi
Robot thăm dò Philae của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tách khỏi tàu mẹ và hạ cánh xuống bề mặt sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào khoảng 16h hôm 12/11 (theo giờ GMT). Trước đó, tàu vũ trụ Rosetta đi vào quỹ đạo 67P từ tháng 8 sau hành trình dài hơn 6 tỷ km trong 10 năm từ Trái Đất.
Robot Phiale đáp xuống bề mặt sao chổi. Hình ảnh được công bố hôm 13/11. (Ảnh: AP)
Đây là sự kiện ghi dấu ấn trong lịch sử khi lần đầu tiên một robot đáp xuống bề mặt của sao chổi. Với bước đi này, các nhà khoa học hy vọng có thể tìm hiểu thêm các thành phần của sao chổi và cách chúng tương tác với gió Mặt Trời.
Bên cạnh kết quả khoa học, thách thức và tham vọng của sứ mệnh có thể chứng minh rằng chương trình khám phá hệ Mặt Trời có một bước tiến lớn, mở ra nhiều cơ hội cho các nghiên cứu khác trong tương lai.
Sau hai ngày đổ bộ, robot Philae rơi vào trạng thái "ngủ đông" vì cạn kiệt năng lượng. Dù tạm dừng hoạt động, Philae đã kịp truyền được 80% dữ liệu và hình ảnh đen trắng về Trái Đất.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, ESA và hành trình của robot đã chứng minh rằng con người có thể thực hiện những giấc mơ vốn được cho là chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng. Hy vọng "đánh thức" Philae vẫn là mối quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Hy vọng đặt chân lên hành tinh đỏ
Tên lửa Delta IV được phóng đi từ căn cứ không quân Cape Canaveral đưa Orion vào vũ trụ. (Ảnh: Space)
Con người đã nhắc đến mục tiêu chinh phục sao Hỏa kể từ lần đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Tuy nhiên trong hành trình đó, giữa bối cảnh khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị và sự thay đổi về các vấn đề ưu tiên, hành tinh đỏ trở thành hình ảnh chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng. Với sự kết thúc của kỷ nguyên tàu con thoi và quyết định hủy bỏ chương trình nghiên cứu Constellation (đưa người Mỹ lên Mặt Trăng), các chuyến đi không gian thậm chí được cho là không có cơ hội hồi sinh.
45 năm sau lần đầu tiên con người lên Mặt Trăng, Mỹ phóng thử nghiệm thành công tàu vũ trụ Orion, bước tiến mới trong quá trình thực hiện mục tiêu chinh phục sao Hỏa. Đây là nhiệm vụ nhằm kiểm tra cách hệ thống quan trọng và cần thiết cho các hoạt động hạ cánh và quay trở về Trái Đất của tàu vũ trụ trong tương lai.
Với thành công này, một lần nữa thế giới có thể hy vọng về mục tiêu chinh phục sao Hỏa.