Có những loài vật dưới nước có khả năng nuốt chửng con mồi lớn gấp 2 lần nó hay đặc biệt hơn có loài có thể tự mọc lại đầu sau khi bị đứt, thậm chí có loài còn có khả năng hóa thành chất lỏng.
Con người có nhiều tài năng đặc biệt, tuy nhiên hầu hết những gì chúng ta có thể làm đều dựa vào đôi tay và trí óc của bản thân mình. Điều đó cũng có nghĩa rằng có những việc chúng ta sẽ không thể tự làm, ví như tự trói chính mình, hóa lỏng cơ thể để chui qua một không gian nhỏ hẹp, hay nuốt một vật có kích thước lớn gấp 2 lần cơ thể. Một sự thật đáng ngạc nhiên là, một số sinh vật dưới nước trong danh sách dưới đây lại có những khả năng này.
Cá Black Swallower có thể nuốt chửng con mồi lớn hơn chính nó
Loài cá Black Swallower có nhiều đặc điểm khiến một vài loài cá biển khác phải kinh hãi, ví như đôi mắt đen lồi và hàm răng ghê sợ. Tuy nhiên, lý do thật sự ở đây chính là khả năng nuốt chửng những con mồi có kích thước lớn hơn cả cơ thể chúng. Khi Black Swallower tìm thấy một con mồi, nó sẽ phóng ra, chộp lấy và ngấu nghiến dần dần con mồi cho đến khi nuốt gọn nó trong dạ dày.
Black Swallower là loài ăn tạp, nó có thể nuốt chửng một con mồi có chiều dài dài gấp hai lần và khối lượng gấp mười lần nó. Dạ dày của nó là một túi da mờ, vì vậy chúng ta có thể nhìn thấy toàn bộ con mồi bên trong và cách chúng tiêu hóa thức ăn. Thời gian tiêu hóa thức ăn của loài cá này khá lâu do kích thước con mồi của chúng rất lớn, chúng sẽ phải đợi cho đến khi con mồi đó phân hủy thì mới có thể thưởng thức bữa ăn tiếp theo.
Sên biển có khả năng quang hợp như cây
Sên biển - Elysia chlorotica có một khả năng khác biệt với tất cả các loài động vật khác, nó có thể sử dụng ánh sáng mặt trời để quang hợp giống như các loài thực vật. Chúng lấy chất diệp lục từ tảo và tổng hợp vào trong các tế bào của mình. Điều này khiến cho sên biển có một màu xanh lá cây đặc biệt và chúng còn được gọi là "những chiếc lá thu thập thức ăn".
Bên cạnh khả năng vô cùng đặc biệt đó, các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng sên biển có thể di chuyển trong bóng tối trong thời gian dài mà không cần ăn. Điều đó chứng tỏ rằng quá trình quang hợp có thể không phải là cách duy nhất giúp chúng tồn tại. Tuy nhiên, khả năng quang hợp của chúng vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tổng hợp năng lượng, cho đến nay vẫn chưa có loài động vật nào có khả năng như vậy.
Giun Planarian có thể mọc lại đầu sau khi bị đứt
Planarians là một loại giun dẹp nước ngọt, chúng có khả năng tái sinh tuyệt vời. Nếu bạn chặt mất đầu của một con giun planarians, thì nó vẫn sẽ có thể mọc ra một chiếc đầu mới với chức năng tương tự và hoạt động bình thường. Đó là một khả năng vô cùng đặc biệt, tuy nhiên các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên hơn, đó là chiếc đầu mới của nó còn có được tất cả những kí ức của chiếc đầu cũ.
Kết quả này có được bằng cách, các nhà khoa học đã đào tạo một số giun dẹp có khả năng chịu đựng được ánh sáng (trong khi các con khác luôn lẩn tránh ánh sáng), rồi sau đó cắt bỏ đầu của nó. Hai tuần sau, số giun đó đã tái sinh những chiếc đầu mới và vẫn giữ được khả năng chịu đựng ánh sáng. Các nhà nghiên cứu chưa thể lý giải được khả năng đặc biệt này. Có thể là một sự thay đổi ADN, hoặc do chức năng của một cơ chế mà các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện ra.
Một nhóm nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng một tế bào đơn có khả năng tái sinh toàn bộ cơ thể mới. Họ bắn một con giun dẹp bằng bức xạ cho đến khi các mô của nó bị phá hủy và các tế bào của nó đã không còn có thể phân chia đúng cách. Sau đó, họ tiêm một tế bào đơn từ một con trưởng thành khác và con giun đó lại có thể tự tái tạo các bộ phận bị phá hủy của mình. Điều này cho thấy rằng các tế bào gốc trưởng thành trong giun dẹp có thể phát triển thành bất kỳ một bộ phận nào của cơ thể. Không giống như các tế bào gốc của con người, chỉ quy định một số bộ phận nhất định.
Cá Hagfish có thể tự "thắt nút"
Cá Hangfish có một kỹ năng đặc biệt được sử dụng trong lúc săn mồi và thoát khỏi nguy hiểm, đó là kỹ năng tự "thắt nút" cơ thể của mình.Thức ăn ưa thích của cá hagfish là những con cá nhỏ thường sống trong hang. Khi săn mồi, cá hagfish sẽ tìm những cái hang này, sau đó lao vào và tóm gọn con mồi ở bên trong. Tuy nhiên để con mồi không thể thoát ra khỏi cái hang, cá hagfish có thể làm cơ thể của mình tự thắt nút và bịt kín miệng hang bằng nút thắt đó.
Cơ thể loài cá này thường tiết ra một chất nhờn đặc biệt giúp chúng có thể thoát thân khi gặp nguy hiểm. Tuy nhiên ngoài việc sử dụng chất nhờn, chúng còn tận dụng kỹ năng thắt nút để thoát thân. Khi bị tóm bởi kẻ thù, chúng tự thắt nút phần thân còn tự do, sau đo di chuyển phần nút thắt xuống phần cơ thể bị tóm và đẩy cơ thể thoát ra.
Hải sâm có thể tự hóa lỏng
Có thể các bạn đã biết hải sâm có một cơ chế bảo vệ đặc biệt. Chúng có thể phóng ruột về phía kẻ thù và sau đó vẫn tái sinh lại được. Tuy nhiên bên cạnh đó, chúng còn có khả năng khó tin khác nữa – một cơ chế phòng thủ riêng biệt – đó là chúng có thể hóa lỏng cơ thể. Về cơ bản, chúng có thể phá vỡ các liên kết giữa các tế bào với nhau và biến cơ thể thành một chất lỏng đúng nghĩa (tuy nhiên cơ thể chúng không bị tách rời thành nhiều phần).
Với trạng thái đặc biệt này, chúng có thể dễ dàng chui vào những nơi ẩn nấp như các hốc đá nhỏ để trốn kẻ thù. Khi đã cảm thấy an toàn, chúng có thể tái tạo lại các liên kết và khiến cơ thể trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên khả năng đặc biệt này của loài hải sâm có thể khiến nó bị chết nếu giữ ở trạng thái hóa lỏng quá lâu.