Những "kỳ quan" từ trên trời rơi xuống

Trong lịch sử thế giới, nhiều người từng chứng kiến những vật thể lạ từ trên trời rơi xuống. Nhiều khi những "kỳ quan" lạ thường ấy lại làm cho cả những người tĩnh trí nhất cũng phải băn khoăn.

Những cơn mưa kỳ lạ nhất thế giới

Chẳng hạn chuyện xảy ra năm 1940 ở tỉnh Gorki. Ở làng Mêsêra huyện Palôvô vào một ngày hè nóng nực đã xảy ra một cơn giông lớn. Và cùng với những giọt mưa đầu tiên rơi xuống đất là… những đồng tiền bằng bạc. Khi cơn giông đi qua, các em học sinh ở Mêsêra đã thu nhặt được gần một ngàn đồng tiền đúc từ thời xa hoàng Ivan hung đế

Vào tiết trời trong sáng, từ trên trời đã từng đổ xuống lúa mì, cả … cam và những chú nhện cũng đã rơi từ trên trời xuống; rồi ếch và cá cũng rơi xuống đất theo những giọt mưa từ các đám mây trên trời…

Năm 1954, ở thị trấn Đavơnpot (Mỹ), mọi người vô cùng ngạc nhiên chứng kiến cơn mưa đêm đã nhuộm tất cả thành một màu xanh da trời. Còn năm 1933, gần làng Kavalerôvô ở Viễn Đông, một trận mưa rào đã trút xuống rất nhiều sứa.

Giải thích những hiện tượng kỳ lạ đó như thế nào?

Thủ phạm ở đây chính là những cơn xoáy lốc không khí. Vào những ngày hè nóng nực, trên mặt đất bị thiêu đốt hay xuất hiện những xoáy bụi nhỏ. Nếu chú ý quan sát ta sẽ dễ dàng nhận thấy cột không khí xoáy đó hút theo từ mặt đất các vật khác nhau - phoi bào, giấy vụn v. v… Những xoáy lốc mạnh (vòi rồng) được hình thành trong các cơn giông. Khi đó, cột không khí xoáy có thể nhấc lên cao cả những vật rất nặng. Nếu trên đường đi của vòi rồng có sông, ao hoặc hồ, nước ở những nơi đó sẽ bị cuốn lên và tạo thành một cột nước. Có nhiều trường hợp vòi rồng hút trơ cả đáy. Chẳng hạn như vào mùa hè năm 1904 trên đoạn sông Maxcơva chảy ra Maxcơva.

Chính ở đây chứa đựng lời giải đáp cho trận mưa tiền bạc chưa từng thấy ở tỉnh Gorki. Các trận mưa rào trước đó đã rửa trôi đất và trên mặt đất lộ ra chiếc bình đựng các đồng tiền chôn trong đất. Vòi rồng xuất hiện trong cơn giông đi qua chỗ đó đã nhấc bổng những đồng tiền lên trên không. Và sau đó, khi dòng không khí yếu đi, những đồng tiền ấy cùng với các giọt mưa rơi xuống đất.

Ví dụ này là một bằng chứng cho thấy thường thường sau một điều hoàn toàn bí hiểm là một sự tự nhiên nhất, và chủ yếu, là hoàn toàn có thể giải thích được mang tính vật chất.

Cũng chẳng khó khăn gì để hình dung ra cảnh xoáy lốc không khí cuốn lên cao cả ếch nhái, cá, nhện hay sứa, mang chúng đi đôi lúc tới hàng chục cây số để rồi sau đó, khi xoáy tan, "thả rơi" chúng xuống đất.

Điều đó cũng đã xảy ra với những trái cam ở tỉnh Ôđexa. Cơn xoáy lốc ập tới đã nuốt vào "bụng" nó những quả cam từ quầy hàng của một người bán cam. Và rồi những trái cam ấy trở thành của giời ơi! Mùa hè năm 1890, ở một làng tỉnh Tula, cơn xoáy lốc đã "chộp" lấy những tấm vải lanh trải trên đồng cỏ để tẩy trắng. Những người đàn bà nom thấy thế liền chạy bổ theo. Chẳng mấy chốc họ đã thấy những tấm vải ấy bay mất hút, nhưng vẫn tiếp tục chạy về phía cơn xoáy lốc đã đi.

Người ta chỉ tìm thấy những tấm vải bị gió cuỗm đi ở một làng khác. Dân làng đã tận mắt thấy hàng chục tấm vải lanh dài 30 - 40 mét từ trên trời rơi xuống đến kinh ngạc và hoảng sợ. Nhiều người quả quyết rằng đó chính là "phép màu của thượng đế".

Gió có thể mang các vật khác đi rất xa. Năm 1904, một trận cuồng phong ở Marôc đã phá hủy những kho lúa mì lớn. Gió mang lúa đi đến tận bờ biển Tây Ban Nha. Và ở đó, lúa được trút xuống bất thình lình ngay trước những người dân đứng ngây ra vì quá kinh ngạc. Ở đây, các cơn gió mạnh thổi ở các lớp trên cao của khí quyển đã trợ giúp xoáy lốc.

Còn trận mưa màu xanh ở Đavơnpot thì sao? Người ta phát hiện ra rằng phấn hoa chưa chín của cây dương châu Mỹ và cây đu trong đó có một chất màu hòa tan được trong nước chính là sắc tố. Gió mạnh đã mang lên cao nhiều phấn hoa và khi mưa rơi, phấn hoa nhuộm màu cho trận mưa đó.

Trận mưa vô hại nhưng khác thường đó đã gây ra trong nhiều người Mỹ mê tín không ít những câu chuyện về điều huyền diệu, và cái không lý giải được. Song những trận mưa kỳ lạ có màu đỏ mới làm dư luận xôn xao hơn nhiều. Vào những thế kỷ trước, hiện tượng tự nhiên này là cho người ta khiếp hãi. Nhiều người nghĩ rằng trời khóc những giọt nước mắt pha máu vì tội lỗi của loài người, trời báo điều bất hạnh trong tương lai. Điều này có thể đọc thấy trong trước tác của các nhà viết sử. Đây là một trong những dòng ghi như thế:

"Năm 764. Ở Tua, cuộc sống phóng đãng của các tu sĩ tại nhà thờ thánh Mactinơ đã làm Chúa trời nổi giận: máu đã rơi từ trên trời xuống.

Năm 787. Mưa máu trút xuống ở Hungari, tiếp theo đó bắt đầu nạn dịch hạch".

Vào năm 1117, miền bắc Italia bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Thành phố và làng mạc xứ Lômbacđi bị đốt cháy tan hoang. Người già và trẻ con chết vì nạn đói. Binh lính dày xéo các cánh đồng và cướp đoạt hoa màu còn lại. Tỉnh dậy lúc sáng sớm, dân chúng Lômbacđi không biết liệu còn có sống được đến chiều nữa hay không. Thật dễ hiểu vì sao trong những điều kiện như thế, mưa "máu" được mọi người ở khắp nơi coi là điều cảnh báo của trời về "sự tận thế của thế giới". Ở Milanô người ta triệu tập khẩn cấp hội đồng các giám mục. Các giám mục tuyên bố rằng "trời tuôn những dòng nước mắt máu vì loài người phạm những tội lỗi tày đình. Chỉ có thể bằng nhịn nhục, cầu nguyện và ăn chay nhiều tuần mới có thể cầu xin được chúa trời không lập tòa án phán xử khủng khiếp của mình".

Những người dân quá kinh sợ đã hiến tế cho nhà thờ những món đồ cuối cùng. Họ quỳ suốt hàng giờ liền để cầu xin sự tha thứ của đấng toàn năng là chúa trời.

Xưa nay, "máu" rơi từ trên trời xuống đã nhiều lần làm người ta phải kinh sợ.

Dân cư thành phố Catandarô ở Italia còn nhớ mãi ngày 14 tháng ba năm 1813. Chúng tôi xin nhường lời cho nhà viết sử:

"Một đám mây giông hiện ra từ phía biển. Đến trưa nó đã bao phủ những ngọn núi lân cận và bắt đầu che lấp mặt trời; đám mây ấy lúc đầu có màu hồng nhạt sau trở thành đỏ rực như lửa. Chẳng bao lâu thành phố đã bị bao phủ bởi một lớp sương mù dày đặc đến nỗi người ta phải thắp đèn lên ở trong nhà… Sương mù tiếp tục trở nên dày đặc hơn, và toàn bộ bầu trời như được cấu tạo từ sắt nung đỏ vậy. Trời nổi sấm và bắt đầu trút xuống những giọt chất lỏng to màu đỏ mà một số người cho là máu, còn những người khác coi đó là kim loại nóng chảy. Chỉ đến đêm không khí mới trở lại trong lành, sấm chớp mới thôi".

Ấn tượng về điều đã nhìn thấy mạnh đến nỗi dân thành phố không còn muốn lắng nghe những người còn tỉnh táo chứng minh rằng những giọt "máu" đã khô chỉ là bụi mịn cấu tạo từ những hạt khoáng nhỏ xíu có màu phớt đỏ mà thôi.

Các nhà hóa học đã nhiều lần phân tích những giọt mưa như thế; họ phát hiện thấy trong đó có sắt, crôm, canxi, silie và các nguyên tố hóa học khác. Các nhà bác học thời trung cổ đã từng đoán định về điều này. Vào giữa thế kỷ thứ 9, khi có những trận mưa chứa bột màu đỏ giống như máu, một nhà bác học thời đó viết: "Cái mà dân chúng gọi đó là máu chỉ đơn thuần là hơi được nhuộm thần sa hay phấn đỏ mà thôi". Nhưng sau đó ông ta viết thêm: "Nếu từ trên trời rơi xuống máu thực mà không thể phủ nhận được, thì tất nhiêu đó là phép màu do ý chí của thượng đế tạo nên".

Có khi vòi rồng cũng gây ra những trận mưa "máu" "lạ lùng". Vào mùa hè, nước đọng ở ao hồ thường có màu xanh, đôi khi có sắc nâu đỏ: nước "đổi màu". "Máu" đó chính là vô số các loài thực vật và động vật nhỏ bé khác nhau sống trong nước tù. Nếu muốn nhìn thấy chúng riêng từng con một thì phải dùng kính lúp. Nhưng khi các loài đó có số lượng rất lớn thì chúng làm cho nước có màu xanh nhất định. Thường thường là giống động thực vật có màu đỏ nhạt, do đó nước có sắc hung đỏ.

Vòi rồng cuốn tới đầm nước, hút nước lên rồi sau đó trút xuống một nơi nào đó ở xa dưới dạng mưa có màu hệt như máu.

Người ta còn thấy cả băng có màu trong tự nhiên. Vào thế kỷ trước, nhà băng hà học người Mỹ Côn khi nghiên cứu các băng hà vùng Alaxca đã thấy rằng bề mặt băng trải dài suốt vài cây số có màu hung đỏ. Băng có sắc màu như thế là do có một số lượng rất lớn những loài thực vật được gọi là hoa băng hà. Chúng sinh trưởng ở trên các tảng băng vĩnh cửu.

Ở các vùng phía bắc, người ta còn thấy cả tuyết màu đỏ. Hiện tượng này do vô số các vi khuẩn nhỏ xíu gây nên, chúng có khả năng sinh sản ở trên mặt tuyết. Người ta còn biết đến hàng chục loài rong đỏ sinh sản trên đá, cát, trên thân cây và một số loài sống trên tuyết.

Có một loài thực vật đơn giản nhất là tảo Colutea. Loại tảo này không nhìn thấy được bằng mắt thường, nó không sợ lạnh và có thể mọc thậm chí ở trên tuyết. Nó sinh sản rất nhanh. Loài tảo này có màu đỏ. Nếu gió thổi đưa phôi loài tảo này từ nơi nào đó đến mặt tuyết thì chỉ sau vài giờ chỗ tuyết đó sẽ trở nên đỏ. Tảo Colutea sẽ bao phủ toàn bộ bề mặt tuyết đó.

Người ta đã thấy cảnh tượng hiếm có đó ở Alaxca. Một thủy thủ viết rằng vào đầu tháng tám, các cách đồng tuyết lấp lánh màu đỏ tươi. Tuyết được nhuộm màu không chỉ trên bề mặt, mà cả ở độ sâu vài centimet. Điều này được giải thích bằng sự hiện diện của hàng triệu đơn vị thực vật nhỏ nhoi có mày đỏ này. Dường như tuyết bị ớt đỏ phủ lên vậy …

Theo sách Bên cạnh điều bí ẩn
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video