Những người chế tạo Vệ tinh

Tại Viện Công nghệ vũ trụ (Viện Khoa học và công nghệ VN) có những người rất trẻ đang miệt mài đánh vật với những sơ đồ, những modul để làm một việc rất “cao xa”: chế tạo vệ tinh. Mục tiêu Việt Nam có thể chế tạo vệ tinh đang dần trở thành hiện thực với một vệ tinh siêu nhỏ sẽ hoàn thành vào năm 2009.

Việc nghiên cứu chế tạo vệ tinh ở Viện Công nghệ vũ trụ (Hà Nội) được chia ra làm hai nhóm, nhóm thứ nhất nghiên cứu loại vệ tinh nhỏ (dưới 500kg), nhóm thứ hai nghiên cứu vệ tinh siêu nhỏ. Những người VN trực tiếp làm ra thiết bị tưởng chỉ độc quyền ở các nước phát triển đều đang ở tuổi dưới 28.

Nhóm nghiên cứu vệ tinh Việt Nam cùng các nhà khoa học Hàn Quốc (Ảnh: TTO)

Vào phòng làm việc rộng chỉ 20m2 của tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, trưởng nhóm vệ tinh nhỏ, thấy giữa phòng là khung một chiếc vệ tinh nhỏ được dựng lên với cấu trúc đầy đủ pin mặt trời, các modul kỹ thuật. Kỹ sư Huỳnh Văn Ngọc - 28 tuổi, tác giả của bản design kỹ thuật từng sang Hàn Quốc học tập - nói: “Chế tạo, rồi điều khiển vệ tinh giữa không gian là điều không phải ai muốn cũng làm được, nên khi có cơ hội, tôi tham gia ngay. Lúc sang Hàn Quốc học trực tiếp, xem họ làm vệ tinh, dù khó nhưng về nước tôi cũng thử thiết kế dựa trên những tài liệu đã thu thập. Không ngờ làm được”.

Modul cấu trúc, modul điều khiển tư thế bay, modul camera, modul năng lượng..., đó là những từ thường được nhắc đến nhất tại nhóm chế tạo vệ tinh siêu nhỏ. Bởi ở đây không chỉ dừng lại ở mô hình, từng thành viên của nhóm  nghiên cứu đã bắt tay làm và đang chuẩn bị những chi tiết cuối cùng để bộ khung chiếc vệ tinh thật “chào đời” trước Tết Mậu Tý 2008.

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - viện phó Viện Công nghệ vũ trụ, người đang “cầm trịch” nhóm chế tạo vệ tinh siêu nhỏ - khẳng định: “Vệ tinh Pico-Dragon của chúng tôi sẽ có kích thước 10x10x10cm, nặng gần 1kg, khi hoàn thành sẽ chụp ảnh Trái đất với độ phân giải thấp và gửi các thông số vị trí vệ tinh trong quá trình hoạt động”. Kỹ sư thế hệ 8X Lê Xuân Huy - cán bộ kỹ thuật của dự án - cho biết một chiếc vệ tinh siêu nhỏ đã rất gần: năm 2007 hoàn thành thiết kế, 2008 hoàn thành chế tạo, 2009 sẽ thử nghiệm mặt đất, 2010 sẽ phóng bằng tên lửa H2A của Nhật Bản theo chương trình hợp tác.

“Tuy vậy, từ nay đến đó còn rất nhiều việc phải làm”, bởi theo Huy, nhiều thiết bị điện tử sẽ phải mua của nước ngoài. Nhưng muốn làm vệ tinh tại VN phải có một “phòng sạch”. Khi phòng này ra đời vào năm 2008, Viện Công nghệ vũ trụ sẽ phải chế tạo tới ba mô hình: mô hình ban đầu để chạy chương trình điều khiển, mô hình kỹ thuật để thử sức bền, nhiệt (phải chịu được -40 đến 80oC). Mô hình bay mới là mô hình phóng. Song mô hình kỹ thuật cũng sẽ phải làm y như mô hình bay để khi vệ tinh trên quĩ đạo có trục trặc thì có thể xem xét ngay trên mô hình kỹ thuật.

Cả nhóm chế tạo vệ tinh siêu nhỏ có chín người và bốn cộng tác viên đang là sinh viên năm 4 Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đều đã đoạt giải Robocon. Không khí làm việc tại nhóm luôn rất khẩn trương. Theo Lê Xuân Huy, khẩn trương không phải là vì chạy đua với thời gian, mà đó là đam mê.

Kỹ sư Huỳnh Văn Ngọc và mô hình vệ tinh nhỏ dự định sẽ chế tạo xong vào năm 2012 (Ảnh: C.V.K)

Đang ở giai đoạn đầu của công nghệ vũ trụ nên hiện tại, ngoài thời gian nghiên cứu, hai nhóm chế tạo vệ tinh của Viện Công nghệ vũ trụ VN vẫn thường xuyên tổ chức những lớp học ngắn hạn dành cho những bạn trẻ để thắp sáng niềm đam mê vũ trụ.

Theo anh Bùi Trọng Tuyên, mục đích là để khi đủ điều kiện, VN sẽ có đội ngũ đủ tay nghề bắt tay làm ngay, sớm bắt kịp công nghệ vệ tinh - dù rất xa nhưng cũng rất gần nếu có đam mê, dám đi tắt đón đường công nghệ mới. Những năm dài đam mê sắp có kết quả, cả nhóm đang có một niềm vui khó tả khi trở thành những người đầu tiên chế tạo vệ tinh ở VN.

Vệ tinh nhỏ có các ứng dụng như vệ tinh lớn cùng loại. Vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất với độ phân giải trung bình (32m), có thể dùng để theo dõi sự biến động về tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai. Vệ tinh nhỏ cũng có thể giải quyết nhu cầu viễn thông, truyền hình như vệ tinh lớn cho các nước có nhu cầu sử dụng vệ tinh chưa nhiều. Nếu VN chế tạo vệ tinh nhỏ giá chỉ khoảng 10-25 triệu USD (giá vệ tinh địa tĩnh VinaSat khoảng 250 triệu USD). Nhưng quan trọng nhất là VN có thể nắm được công nghệ chế tạo vệ tinh.

Hiện mỗi năm VN đang mất khoảng hơn 10 triệu USD để thuê vệ tinh phục vụ viễn thông, truyền hình và các nhu cầu khác. 

CẦM VĂN KÌNH

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video