Những nguy cơ đối với sức khoẻ
Tạp chí công nghệ trực tuyến Cnet mới đây đề cập tới trường hợp của Ram Viswanadha - một kỹ sư phần mềm làm việc tại thung lũng Silicon (Mỹ), đã phải nghỉ làm 3 tháng vì bị chấn thương căng cơ do làm việc quá nhiều trên máy tính xách tay với tư thế lặp đi lặp lại trong 4 năm liền.
Tại Việt Nam, một số bác sĩ và chuyên gia nghiên cứu bảo hộ lao động cho biết chưa từng phát hiện trường hợp nào tương tự do nguyên nhân nêu trên. Ngay cả ở các nước phát triển, trường hợp của anh Viswanadha cho đến nay cũng tương đối hiếm và thể hiện tình huống xấu nhất có thể xảy ra do lạm dụng máy tính xách tay.
Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế đã lên tiếng cảnh báo rằng với tình trạng máy tính xách tay ngày càng trở nên phổ biến, những ca bệnh như vậy có nguy cơ sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Theo T.S Nguyễn Thế Công - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động, mặc dù Việt Nam chưa có nghiên cứu sâu rộng nào về những ảnh hưởng của máy tính xách tay đối với sức khoẻ con người, nhưng sử dụng phép nội suy trong khoa học có thể nhận thấy một số nguy cơ tiểm ẩn nếu lạm dụng máy tính xách tay.
Thứ nhất, người dùng máy tính xách tay phải nhìn gần màn hình hơn (gây mỏi mắt) và sử dụng bàn phím nhỏ hơn so với của máy tính để bàn (gây mỏi cổ tay, ngón tay).
Thứ hai, thiết kế bàn phím và màn hình gần nhau khiến người dùng chỉ có hai lựa chọn và đều có tác hại ngang nhau. Hoặc là để cánh tay được thoải mái thì phải đặt máy thấp, từ đó cổ phải cúi gập xuống để nhìn màn hình, hoặc nếu đặt màn hình cho hợp tầm mắt thì vai và cánh tay sẽ phải vươn lên cao rất căng thẳng.
Máy tính xách ta đã du nhập vào nước ta từ lâu, nhưng do giá thành khá cao (hiện nay giá trung bình khoảng 1.000 USD/chiếc) nên chưa thật sự phổ biến. Chỉ tới gần đây, máy tính xách tay mới bắt đầu tạo nên cơn sốt, khi ngày càng nhiều người có nhu cầu ứng dụng công nghệ và có thu nhập cao. Với vẻ đẹp thời trang, sự gọn gàng, tính tiện dụng, chất lượng và tốc độ xử lý cao, máy tính xách tay khiến nhiều người say mê và thậm chí sử dụng nó thay thế cho máy tính để bàn - một việc hết sức sai lầm và đi ngược lại những quy tắc cơ bản về tư thế sử dụng máy tính.
Những quy tắc này từ lâu nay đã được nhắc tới rất nhiều trên các phương tiện truyền thông và được không ít người biết đến, nhưng có lẽ phần lớn nghĩ rằng chúng chỉ áp dụng cho máy tính để bàn, chứ ít ai để ý đến tầm quan trọng của tư thế sử dụng máy tính xách tay.
Làm gì để tự bảo vệ?
Tư thế sử dụng máy tính xách tay cũng quan trọng đối với sức khoẻ như bất kỳ tư thế làm việc nào khác.
Theo Bác sĩ Ngô Văn Toàn - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức, tất cả những gì sai tư thế sinh lý bình thường đều gây biến dạng cơ xương và gây đau mỏi, có thể dẫn đến tổn thương. Thế nhưng điều đáng lo ngại là rất nhiều người không hề nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn của máy tính xách tay. Một Giám đốc của một công ty công nghệ thông tin, mới đây than phiền với bác sĩ, nhiều lúc anh thấy mỏi người vì sử dụng máy tính xách tay cả ngày ở văn phòng. Rõ ràng, ngay cả một người làm trong nghề công nghệ thông tin cũng có thể không biết về một số thiết bị ngoại vi nhất định dành cho máy tính xách tay và sự cần thiết của chúng để tránh gây tổn thương cơ thể.
Tư thế sử dụng MTXT theo thiết kế thông thường khiến thân người và cổ bị cúi gập(trái). Sử dụng giá đỡ giúp người dùng có được tư thế thoải mái |
Trên thế giới đã có một số trường hợp người dùng máy tính xách tay bị bỏng. Ngoài ra, các bác sĩ đã khuyến cáo nam giới đặt máy tính xách tay trên đùi để sử dụng có thể bị sức nóng làm giảm khả năng sinh sản.
Giống như với máy tính để bàn, khi sử dụng máy tính xách tay bạn cũng phải chú ý giải lao vài phút sau mỗi 30 - 60 phút làm việc để dãn cơ và giải phóng mặt. Việc ăn uống và tập luyện điều độ cũng làm giảm các nguy cơ gây tổn thương sức khoẻ. Cuối cùng, bạn nên biết lúc nào cần tắt máy và kết thúc ngày làm việc. Đừng tận dụng khả năng dễ di chuyển của máy tính xách tay để mang việc theo mình khắp nơi, nhất là mang về nhà.